Quảng Nam loại khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện vì chiếm đất rừng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
27/07/2021 10:28 GMT+7

HĐND tỉnh Quảng Nam đã biểu quyết đưa ra khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ vì diện tích chiếm đất lớn, không hiệu quả kinh tế, tác động lớn đến môi trường và đất, rừng các loại.

Sáng 27.7, Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa X) diễn ra vào ngày 22.7 vừa rồi, HĐND tỉnh đã biểu quyết đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại Nghị quyết số 161 ngày 22.4.2010 đối với 4 dự án, gồm: thủy điện A Vương 4 (công suất 10MW), thuộc địa bàn H.Tây Giang với diện tích đất 82,82ha; thủy điện Sông Bung 3 (công suất 16MW), H.Nam Giang với diện tích đất 38,63ha; thủy điện Đăk Di 4 (công suất 19,2MW), H.Nam Trà My với diện tích đất 155ha; thủy điện A Banh (công suất 4,2MW), H.Tây Giang với diện tích đất 7,76ha.

Thủy điện T'Hy trên huyện vùng cao Tây Giang xây dựng 13 năm nhưng vẫn chưa xong khiến người dân lẫn địa phương bức xúc.

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Được biết, dự án thủy điện Đăk Di 4 (H.Nam Trà My), được cho phép nghiên cứu đầu tư năm 2003. Năm 2008, theo đề xuất của chủ đầu tư, UBND tỉnh thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu phải khởi công công trình trong quý IV của năm 2009, song doanh nghiệp không thực hiện. Năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án này.

Ngoài việc thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện nêu trên, HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục liên quan để trình HĐND tỉnh xem xét, loại ra khỏi quy hoạch đối với 2 dự án thủy điện Chà Vàl và Đăk Pring 2 (H.Nam Giang) theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nguyên nhân đưa ra khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh (chưa cấp quyết định chủ trương đầu tư), là do các dự án này có quy mô công suất nhỏ, diện tích chiếm đất lớn, không có hiệu quả kinh tế, tác động lớn đến môi trường và đất, rừng các loại; chậm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân, làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khác có liên quan.

Việc loại bỏ các dự án thủy điện này cũng nhằm thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả, phù hợp với thực tế, chủ trương của Đảng, Chính phủ và Tỉnh ủy Quảng Nam về rà soát, đánh giá tác động của các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, thời điểm tháng 6.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ký văn bản gửi Sở Công thương, Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan về việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất chủ trương loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thủy điện: A Vương 4, Sông Bung 3, Đắc Di 4, A Banh, Chà Vàl và Đắc Pring 2. UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát kỹ các điều kiện, cơ sở pháp lý để thực hiện theo quy định hiện hành và tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 3, khóa X để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Ngoài ra, đối với dự án thủy điện A Vương 5 và Sông Bung 3A, UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT, Sở Công thương yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện, trường hợp không đảm bảo điều kiện, yêu cầu đầu tư thì tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi dự án, loại khỏi quy hoạch theo quy định.

Hiệu quả kinh tế đem lại không cao

Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam, cho hay nhận thấy, các dự án này có công suất thiết kế nhỏ, triển khai các thủ tục đầu tư không đảm bảo thời gian theo quy định, diện tích sử dụng đất lớn, hiệu quả kinh tế đem lại không cao, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch tại Thông Báo số 183-TB/TU ngày 15.6.2021. Do đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với 4 dự án thủy điện nói trên.

Nhiều năm qua, câu chuyện thủy điện vừa và nhỏ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhân dân trong vùng dự án. Thủy điện cũng tác động đa chiều lên các bề mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, là những hệ quả mà thủy điện gây ra luôn được dư luận địa phương, lẫn cả nước quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 46 thủy điện.

Thủy điện Nước Chè (đóng tại H.Phước Sơn), "đứng bánh" vì chủ đầu tư vướng án hình sự.

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Theo kết quả rà soát của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho thấy tổng diện tích đất sử dụng của 46 dự án thủy điện này là hơn 12.303 ha. Trong đó, 2.314 ha là đất rừng sản xuất, 659 ha là đất rừng phòng hộ, 122 ha đất rừng đặc dụng, hơn 190 ha đất ở, 114 ha đất giao thông. 260 ha đất chuyên dùng, 1.512 ha đất sông suối và mặt nước, 2.267 ha đất trồng cây lâu năm, 2.399 ha đất trồng cây hằng năm, 243 ha đất trồng lúa nước, 1.804 ha đất khác.
Trước đó, tại cuộc họp nhằm rà soát các dự án thủy điện trên địa tỉnh, ông A Viết Sơn, Chủ UBND H.Nam Giang, cho hay trên địa bàn có 11 dự án thủy điện, 6 dự án đã hoạt động; 3 dự án đang triển khai và 2 dự án khảo sát xin chủ trương đầu tư.

Nhìn chung thủy điện giúp địa phương có được cơ sở hạ tầng, thu ngân sách. Tuy nhiên, các dự án đã lấy đất sản xuất của dân và người dân mất đất lại lấn chiếm rừng phòng hộ. Vì vậy, H.Nam Giang thống nhất các dự án không cần thiết, ảnh hưởng lớn môi trường thì loại bỏ.

Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ phá hủy môi trường, phá rừng và xảy ra lũ lụt. Với một địa phương có tới 46 thủy điện, trong đó có 36 thủy điện vừa và nhỏ như Quảng Nam, việc thống nhất loại bỏ ra khỏi quy hoạch những thủy điện không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận và nhân dân địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.