Lao động chui về nước tay trắng
Theo quy định mới của Chính phủ, từ ngày 1.9 sẽ thực hiện thu phí cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Qua rà soát của Quảng Ninh, việc triển khai thu phí đối với các chuyên gia nước ngoài khá thuận lợi, vì hầu hết họ chọn khách sạn cao cấp để cách ly. Thế nhưng, với người Việt Nam nhập cảnh trái phép thì đang có nhiều vướng mắc.
UBND TP.Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, địa phương này đang có gần 300 người thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Trong số này, phần lớn là lao động chui từ Trung Quốc vượt biên về nước, bị lực lượng tuần tra của Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ. Trong đó, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, khi vượt biên về nước chỉ với hai bàn tay trắng; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép.
Về nước được 5 ngày nay bị bắt giữ, ông Trần Văn Trung (45 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, cuối năm 2019, ông Trung vượt biên trái phép sang TP.Đông Hưng (Trung Quốc) để làm thuê cho một xưởng giày dép được hơn 1 tháng thì bị bắt giữ. “Các giấy tờ tùy thân, tiền, vật dụng cá nhân của tôi đã bị thu giữ. Trên người ngoài bộ quần áo thì không còn thứ gì cả. Trốn về nước lần này sau khi bị bắt giữ, tôi phải chịu phạt 4 triệu đồng về hành vi nhập cảnh trái phép và còn chưa biết kiếm đâu tiền để nộp phạt. Nếu phải trả thêm chi phí cách ly nữa thì rất khó khăn”, anh Trung nói.
Ở gian phòng kế bên, chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, quê Nghệ An), một lao động chui từ Trung Quốc trốn về, cũng cho biết: “Sau khi bị bắt giữ và tạm giam ở TP.Đông Hưng về hành vi cư trú bất hợp pháp, chúng tôi bị thu giữ giấy tờ, tài sản cá nhân cũng không còn gì. Nhà ở quê cũng thuộc diện khó khăn”.
Sẽ kiến nghị Chính phủ miễn, giảm phí với một số trường hợp
Ông Vũ Tiến Chung, Tổ trưởng khu cách ly tập trung Centre Way (P.Bình Ngọc, TP.Móng Cái), cho biết hầu hết các công dân cách ly trên địa bàn là lao động chui tại Trung Quốc và bị bắt giữ khi vượt biên về Việt Nam. Nếu thu phí theo quy định mới của Chính phủ thì khả năng chi trả của các công dân trên là rất thấp. “Những người cách ly tại đây có hoàn cảnh khó khăn, họ là lao động trái phép từ Trung Quốc trốn về nước, gần như chẳng còn tiền bạc, hay tài sản nào đáng giá. Trước mắt, chúng tôi vẫn cấp đủ suất ăn, vật dụng cá nhân cần thiết đối với các công trên” ông Chung nói.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này đang xem xét, kiến nghị với Chính phủ để đưa ra hình thức miễn giảm phí cách ly đối với một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. “Bây giờ chúng tôi có thu tiền thì phần lớn người nhập cảnh trái phép cũng không thể chi trả, chẳng nhẽ lại ghi nợ? Bằng các nguồn kinh phí dự phòng, địa phương vẫn linh hoạt để hỗ trợ sinh hoạt đối với các công dân này”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói.
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ tháng 3 đến nay, địa phương này đã có hơn 9.500 người thực hiện cách ly tự nguyện tại các khách sạn trên địa bàn 3 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả và Móng Cái. Trong số này, phần lớn là chuyên gia của Nhật Bản, Hàn Quốc… nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).
|
Bình luận (0)