Quốc hội giao quyền cho Chính phủ lựa chọn chủ đầu tư sân bay Long Thành

Vũ Hân
Vũ Hân
27/11/2019 06:19 GMT+7

Quốc hội cũng nhất trí bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối vào dự án: tuyến số 1 nối với QL51; tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. .

Dự án kết nối với QL51, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Chiều 26.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành với 435/455 đại biểu tán thành (90,06% tổng số đại biểu). Có 10 đại biểu không tán thành, 10 đại biểu không biểu quyết.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo nghị quyết, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua điều 1 của dự thảo (cũng với 435/455 đại biểu tán thành).
Theo nghị quyết này, Quốc hội đồng ý đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm trong giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.
Điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050 ha thành 570 ha dành riêng cho quốc phòng và 480 ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Quốc hội cũng nhất trí bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối vào dự án: tuyến số 1 nối với QL51; tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Quốc hội cũng không chỉ định thầu, vì “luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.
Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, lợi ích của quốc gia, bảo đảm sự quản lý của nhà nước, bảo đảm tiến độ... trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Quốc hội không ghi ràng buộc “không làm ảnh hưởng đến nợ công” vào nghị quyết, dù có nhấn mạnh việc “không sử dụng bảo lãnh Chính phủ”.
Có sự thay đổi này vì Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) được đề xuất là nhà đầu tư, thực hiện dự án là doanh nghiệp có hơn 95% vốn nhà nước, nên kể cả ACV vay nợ không có bảo lãnh Chính phủ cũng vẫn sẽ làm tăng nợ công. Theo báo cáo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, ACV dự kiến sẽ phải vay 2,6 tỉ USD trong giai đoạn 1, chưa kể đến khoảng 11 tỉ USD khác để thực hiện giai đoạn 2 và 3.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, tại tờ trình mới nhất lần này, Chính phủ dự toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4,779 tỉ USD, chưa bao gồm chi phí bồi thường, tái định cư (gần 1 tỉ USD).
Do đó, so với cơ cấu vốn giai đoạn 1 tại Nghị quyết 94 (114.450 tỉ đồng, tương đương gần 4,8 tỉ USD, đã bao gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng) thì mức đầu tư hiện nay đã vượt gần 1 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.