Báo cáo một số vấn đề chuẩn bị kỳ họp tại phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi lấy ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, dự kiến, kỳ họp 9 của Quốc hội sẽ chia làm 2 đợt, đợt 1 họp theo hình thức trực tuyến, khai mạc vào ngày 20.5 và kết thúc vào 30.5.
Đợt 2 sẽ họp theo hình thức tập trung, tiến hành trong 9 ngày, dự kiến bắt đầu từ 10.6 và kết thúc vào 19.6.
Về hình thức họp trực tuyến, ông Phúc cho hay, khi họp trực tuyến sẽ sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thiết lập.
Việc thảo luận, tranh luận của đại biểu tại 63 điểm cầu, đăng ký phát biểu qua đường dây nóng. Việc điều hành và quản lý thời gian thảo luận, tranh luận của đại biểu được thực hiện từ phòng Diên Hồng và theo quy định hiện hành.
Về nội dung, ông Phúc cho biết, tại kỳ họp này, sẽ bỏ nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời không bố trí thảo luận tại tổ mà chỉ thảo luận theo các đoàn tại các địa phương.
Việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tùy tình hình dịch bệnh, ở mỗi địa phương đề nghị chia theo các nhóm nguy cơ về dịch bệnh Covid-19.
Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ và nguy cơ thấp, có thể tổ chức tiếp xúc cử tri như thông lệ nhưng phải bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, nhất là giảm số lượng người và bảo đảm khoảng cách tiếp xúc.
Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao, đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo đến cử tri về dự kiến chương trình kỳ họp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo các kênh thông tin để cử tri phản ánh ý kiến, kiến nghị; đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri.
"Đây không phải kỳ họp để phê phán, trách móc"
Cho ý kiến sau đó, hầu hết các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng ý với phương án mà Tổng thư ký Quốc hội đưa ra. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc họp tập trung trong tháng 6 sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh. “Tháng 6 như bây giờ thì có thể họp trực tiếp được. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh xấu hơn bây giờ thì có thể lùi lại”, bà Ngân nói.
Nhiều ý kiến đề nghị, nếu tình hình dịch bệnh vào tháng 6 không khả quan như hiện nay mà diễn biến xấu thì có thể triển khai họp trực tuyến cả kỳ chứ không lùi kỳ họp.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình bỏ nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường trong bối cảnh các cơ quan Chính phủ đang phải căng mình để chống dịch, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội vẫn có thể gửi các phiếu chất vấn để các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản.
“Đây kỳ họp không phải để phê phán, trách móc, soi chuyện này chuyện kia chậm mà là kỳ họp để dâng mưu hiến kế trước mắt và lâu dài để phục hồi kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Tuy nhiên, về vấn đề tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho rằng, có thể không tiếp xúc cử tri theo hình thức các hội nghị tập trung đông người mà thực hiện các hình thức tiếp xúc linh hoạt, mục đích cuối cùng là tiếp nhận được các ý kiến, phản ánh của nhân dân.
Bình luận (0)