Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 8.11, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nêu: “Khoản 1, điều 21 Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín cá nhân của mình. Tuy nhiên, hiện nhiều báo chí, trang mạng khai thác quá mức thông tin đời tư, gây bất lợi, thiệt hại về kinh tế, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân”.
Đại biểu đặt câu hỏi “thực trạng pháp luật về báo chí thông tin điều chỉnh việc này như thế nào? Có nên có luật Bảo vệ thông tin đời tư, bí mật cá nhân không?”
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Hùng cho rằng “hiện nay, cũng do chính chúng ta rất đơn giản trong bảo vệ thông tin cá nhân”.
“Như tôi, cách đây 1 tháng đi làm cái kính, cửa hàng đề nghị điền tên, địa chỉ, số điện thoại, nghề nghiệp… Chúng ta đi mua sắm siêu thị cũng được bảo làm cái thẻ giảm giá, cũng điền tất cả thông tin vào. Chúng ta cũng dễ dãi trong việc đưa thông tin cá nhân”, Bộ trưởng Hùng nói.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận việc hiện chưa có một quy định pháp luật rất rõ ràng, rất tường minh về việc doanh nghiệp sở hữu thông cá nhân sử dụng như thế nào, vào những việc gì, cái gì phải xin phép khách hàng mới được công bố. Do đó, Việt Nam sẽ phải có nghị định bảo vệ thông tin cá nhân, "Chính phủ đang xây dựng nghị định này, chứ không phải một luật như đại biểu đề đạt".
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thì đặt vấn đề “hàng ngày mở báo ra, trừ báo Đảng, báo Quân đội nhân dân, một tờ báo ngành, địa phương… thấy vụ án, đánh đập, trộm cướp, giết chóc dã man; đời tư được khai thác quảng cáo vô tội vạ, biến tất cả mặt trái tiêu cực đó được tuyên truyền thành nếp sống thường xuyên của mọi người, làm cho những vấn đề tội ác không thể ngăn chặn được, giáo dục nhân cách từ nhà trường, gia đình, xã hội rất hạn chế tác dụng, nhất là với thanh niên”.
Sau ý kiến này, đại biểu Lê Thị Nguyệt đặt câu hỏi: "Thực trạng có phải như vậy không, có quốc gia nào như chúng ta không, nhiều tờ báo và phóng viên đang làm vậy với mục đích gì, có cần chấn chỉnh không”?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, luật Báo chí đã quy định rất rõ, khi đưa tin về vụ án xâm hại tình dục không được khai thác chi tiết.
“Hiện có tình trạng đó không? Có, nó dính đến chuyện câu view, đặc biệt trên tạp chí, báo chí, trang tin điện tử”, Bộ trưởng nói và cho rằng đây là vấn đề liên quan đến xác định đâu là cái ngưỡng chấp nhận được, đâu vượt quá trong việc khai thác chi tiết.
“Cái này liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, nhận thức của nhà báo, phóng viên. Nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Làm nghề báo là tự nhận cho mình một sứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, sứ mạng vì lợi ích cộng đồng. Chúng tôi cùng Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, đặc biệt là sứ mạng và trách nhiệm của phóng viên với xã hội”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bình luận (0)