Hồ sơ vũ khí hạt nhân Ả Râp Xê Út

10/11/2013 09:00 GMT+7

Trung Đông đứng trước ngưỡng cửa một cuộc chạy đua vũ khí hủy diệt, với tiết lộ về việc Ả Rập Xê Út mua vũ khí hạt nhân từ Pakistan.

Hồ sơ vũ khí hạt nhân Ả Râp Xê Út
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Pakistan - Ảnh: AFP

Ngày 7.11, hãng BBC gây chấn động khi dẫn các nguồn tin tình báo tiết lộ Ả Rập Xê Út đã mua vũ khí hạt nhân từ Pakistan. Các vũ khí này hiện sẵn sàng để chuyển giao cho Riyadh. Mục đích kế hoạch của Ả Rập Xê Út là đối phó với chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của Iran, theo BBC. “Ả Rập Xê Út có thể triển khai thứ vũ khí đó nhanh chóng hơn nước Cộng hòa Hồi giáo (Iran)”, biên tập viên quốc phòng và ngoại giao Mark Urban của BBC tiết lộ.

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Ả Rập Xê Út ngày càng thất vọng với chính sách Trung Đông của Washington. Vào tháng trước, Riyadh ra tuyên bố từ chối nhận ghế thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nguồn tin chủ yếu trong chương trình Newsnight của BBC là “một quan chức cao cấp có quyền ra quyết định” của NATO, người từng tiếp cận các báo cáo tình báo về thỏa thuận hạt nhân giữa Ả Rập Xê Út và Pakistan. Vào tháng trước, cựu chỉ huy tình báo quân đội của Israel Amos Yadlin phát biểu trong một hội nghị tại Thụy Sĩ rằng nếu Iran có bom hạt nhân, “Ả Rập Xê Út sẽ không chờ đến một tháng. Họ đã trả tiền mua bom, họ sẽ đến Pakistan và mang về điều họ cần”. 

Hiểm họa khôn lường

Tiết lộ của BBC nếu được xác nhận chắc chắn sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, vốn đã căng thẳng vì chính biến Mùa xuân Ả Rập. Theo tờ The Huffington Post, gần như chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ và có thể là cả Ai Cập sẽ gia nhập cuộc đua và tạo ra mức độ bất ổn chưa từng có tại khu vực.

Theo BBC, từ năm 2009, Quốc vương Abdullah đã cảnh báo nếu Iran vượt ngưỡng, “chúng tôi sẽ có vũ khí hạt nhân”. Tờ Foreign Policy cho hay những dấu hiệu thể hiện ý định mua vũ khí hạt nhân của Ả Rập Xê Út đã có từ lâu. Cách đây hơn 10 năm, tờ The Guardian tiết lộ Ả Rập Xê Út từng cân nhắc ba lựa chọn cho chiến lược hạt nhân, gồm: tự xây dựng năng lực hạt nhân, duy trì hoặc gia nhập liên minh với một cường quốc hạt nhân để được bảo vệ, hoặc cố gắng đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Trung Đông.

Vào tháng 2.2012, một quan chức cao cấp không nêu tên của Ả Rập Xê Út cảnh báo với một phóng viên của tờ The Times rằng Riyadh có thể có được đầu đạn hạt nhân “trong vài tuần” sau khi Iran sở hữu vũ khí này. Một nguồn tin của chính phủ Ả Rập Xê Út tiết lộ nước này sẽ “lập tức khởi động chương trình vũ khí hạt nhân theo hai hướng” nếu Iran thử thành công vũ khí hạt nhân. Theo đó, họ sẽ mua đầu đạn hạt nhân từ bên ngoài đồng thời nâng cấp chương trình hạt nhân dân sự phục vụ quân sự.

 

Đàm phán về chương trình hạt nhân Iran

Tiết lộ của BBC được đưa ra ngay trước thềm cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa nhóm các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. Cuộc đàm phán đã kéo dài sang ngày thứ ba vào hôm qua song vẫn chưa thể giải quyết những vấn đề quan trọng nhất, theo Ngoại trưởng Anh William Hague. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết vẫn còn tồn tại những rào cản lớn đối với thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Theo tờ The Guardian, có khả năng chính Ả Rập Xê Út đã rò rỉ các thông tin về thỏa thuận vũ khí hạt nhân giữa họ và Pakistan để gây sức ép buộc Mỹ phải cứng rắn với Iran trong cuộc đàm phán ở Geneva.

Trước cuộc đối đầu giữa Ả Rập Xê Út và Iran thông qua chiến trường Syria hiện nay, xung đột giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite sẽ xoay chuyển theo hướng nguy hiểm hơn rất nhiều với sự xuất hiện của các quốc gia hạt nhân. 

Liên minh hạt nhân

Quan hệ giữa Riyadh và Islamabad về chương trình vũ khí hạt nhân xuất phát từ thập niên 1970, dưới thời Quốc vương Faisal. Giới truyền thông quốc tế quả quyết Ả Rập Xê Út chính là nguồn tài trợ cho chương trình làm giàu uranium của Pakistan vào giữa thập niên 1970, theo tờ Foreign Policy. Theo nhiều chuyên gia phương Tây, Ả Rập Xê Út cũng là nhà tài trợ hào phóng cho lĩnh vực quốc phòng của Pakistan, gồm cả các chương trình nghiên cứu tên lửa và hạt nhân.

Theo BBC, trong nỗ lực xây dựng khả năng răn đe hạt nhân, Pakistan đã hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, nước bán các tên lửa và cung cấp thiết kế đầu đạn hạt nhân cho Islamabad. Vào cuối thập niên 1980, Ả Rập Xê Út đã bí mật mua hàng chục tên lửa đạn đạo CSS-2 từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đây là loại tên lửa gần như vô dụng trong chiến tranh quy ước vì khả năng bắn trúng mục tiêu rất kém cỏi, song mọi chuyện sẽ thay đổi nếu chúng được gắn đầu đạn hạt nhân. Cách đây vài tháng, tờ Jane’s Defence Weekly tiết lộ về một căn cứ tên lửa CSS-2 của Ả Rập Xê Út với các hướng mục tiêu chĩa vào Israel và Iran.

Sau khi Mỹ tấn công Iraq vào năm 2003, Ả Rập Xê Út bắt đầu úp mở về thỏa thuận mua vũ khí hạt nhân. Bối cảnh lúc đó là Riyadh bực tức trước việc Mỹ lật đổ Saddam Hussein, không hài lòng trước chính sách của Mỹ với Israel và ngày càng lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran. Những năm tiếp đó, các thông tin về sự hợp tác hạt nhân Ả Rập Xê Út - Pakistan bắt đầu trở thành chủ đề bàn tán của giới ngoại giao. Năm 2007, Đại sứ quán Mỹ ở Riyadh từng báo cáo việc các nhà ngoại giao Pakistan dò hỏi những thông tin mà Mỹ có được về “sự hợp tác hạt nhân Ả Rập Xê Út - Pakistan”, theo một bức điện mật mà WikiLeaks tiết lộ.

Một quan chức cao cấp giấu tên của Pakistan xác nhận với BBC về sự hiện hữu của một thỏa thuận nhiều khả năng là bất thành văn về việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ả Rập Xê Út. “Chúng tôi nghĩ như thế nào về tất cả những số tiền mà Ả Rập Xê Út cung cấp? Đó không phải là tiền từ thiện”, ông này nói. Một quan chức khác từng là sĩ quan tình báo Pakistan tin rằng nước ông “chắc chắn duy trì một số lượng nhất định đầu đạn trên cơ sở chúng sẽ được chuyển giao ngay lập tức nếu người Ả Rập Xê Út có yêu cầu vào bất kỳ lúc nào”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh hoài nghi tiết lộ của BBC. Tờ The Guardian dẫn lời chuyên gia Mark Fitzpatrick thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) nhận xét Pakistan khó có thể chấp nhận chuyển giao dựa vào những tổn thất ngoại giao và kinh tế mà họ phải gánh chịu. Mặt khác, với Ả Rập Xê Út, việc tiếp nhận vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến nguy cơ cắt đứt quan hệ quân sự với Mỹ.

Bộ Ngoại giao Pakistan đã khẳng định câu chuyện của BBC là “vô căn cứ”, trong khi Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Anh ra thông cáo đề cập đến việc Riyadh là một thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Dẫu vậy, thông cáo cũng nhấn mạnh “sự thất bại” của Liên Hiệp Quốc “trong việc biến Trung Đông thành khu vực phi hạt nhân là một lý do khiến Vương quốc Ả Rập Xê Út từ chối ghế tại Hội đồng Bảo an”. 

Sơn Duân

>> Bóng đen bủa vây quan hệ Mỹ-Ả Rập Xê Út
>> Ả Rập Xê Út từ chối vào HĐBA LHQ
>> Nga bác thông tin 'đi đêm' với Ả Rập Xê Út
>> Ả Rập Xê Út đưa hàng ngàn tử tù sang Syria chiến đấu
>> Lại có thêm 3 người chết vì vi rút giống SARS tại Ả Rập Xê Út
>> Nga bác tin ông Putin bàn về thỏa thuận bán vũ khí với Ả Rập Xê Út

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.