Quý 1.2018 sẽ xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh

04/12/2017 11:19 GMT+7

Báo cáo tại phiên họp HĐND Thành phố Hà Nội sáng nay (4.12), Chánh án Toà án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, ngay trong quý 1.2018, sẽ đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử.

Chánh án Nguyễn Hữu Chính cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng, thời gian tới, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan liên quan tập trung khẩn trương đưa ra truy tố xét xử theo thẩm quyền vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỉ đồng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương trong quý 1.2018.
Ông Nguyễn Hữu Chính cũng cho biết, năm 2017, hai cấp Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý 30.777 vụ; đã giải quyết 27.755 vụ, đạt tỷ lệ 90,1%. Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế, đã được toà án đưa ra xét xử kịp thời.
Điển hình như vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm tội “tham ô tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin; vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Toà án Hà Nội cũng cho biết, năm 2017, Toà án nhân dân hai cấp thành phố vẫn còn một số vụ án bị huỷ, cải sửa, để quá thời hạn xét xử. Án tạm đình chỉ giảm (còn 899 vụ) nhưng số án quá hạn tăng so với năm 2016 (còn 157 vụ, tăng 72 vụ).
Năm 2018, Toà án nhân dân hai cấp thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; không kết án oan người, không bỏ lọt tội...; hạn chế thấp nhất tình trạng án bị hủy, sửa, các vụ án tuyên không rõ ràng do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội tại phiên họp cũng cho thấy, tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực như tín dụng, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính, hải quan…
Nguyên nhân được xác định là do công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trình độ quản lý còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình công tác để vị lợi.
Các cơ quan phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong đề ra các giải pháp phòng ngừa, chống tham nhũng; chưa quan tâm đúng mức đến kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.