Sau vụ sản phụ bị tài xế bỏ rơi, bé sơ sinh tử vong ngay bên vệ đường, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (chuyên gia về hồi sức - cấp cứu nhi) đã chia sẻ với PV Thanh Niên những kỹ năng sơ cấp cứu bệnh nhi nếu không may gặp trường hợp tương tự.
Đầu tiên khi trẻ ra đời là phải kẹp dây rốn. Nếu vào thời điểm trẻ ra đời, sản phụ hoặc người thân, người ở gần sản phụ không có dụng cụ kẹp dây rốn thì có thể dùng bất cứ dây gì có thể kẹp, ví dụ như hai miếng cây. Việc kẹp dây rốn giúp tránh cho máu chảy ngược về bánh nhau khiến em bé sốc mất máu. Lưu ý lót vải bên trong khi kẹp tránh xây xát dây rốn. Nếu có dụng cụ cắt dây rốn thì càng tốt, tuy nhiên, trong trường hợp cắt dây rốn bằng dụng cụ không đảo bảo vệ sinh thì sẽ có nguy cơ khiến trẻ mắc uốn ván rốn, phải đều trị.
Một vấn đề quan trọng nữa là giữ ấm cho bé sơ sinh bằng khăn, chăn mền, tránh để bé bị lạnh và nhanh chóng đưa đến trạm xá gần nhất.
Bác sĩ Tiến lưu ý với trẻ sinh non lúc 7 tháng tuổi thì phổi non, thiếu chất làm cho phổi giãn nở tốt (chất surfactant). Trường hợp trẻ thiếu surfactant thì trong 1 - 2 giờ trẻ sẽ tử vong, do vậy cần phải hỗ trợ hô hấp ngay. Nếu phổi tốt thì trẻ sẽ sống được. Một nguyên nhân khác khiến trẻ tử vong là do hạ đường huyết, lạnh và suy hô hấp, do đó cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Tiến, ngay ở tại bệnh viện, với trẻ sinh non tháng, cân nặng dưới 1 kg là thuộc nhóm nặng, khả năng cứu sống khá khó khăn. Nếu trẻ sinh non nặng trên 1,5 kg thì tiên lượng cứu sống tốt hơn.
Bỏ rơi sản phụ, con tử vong: Có thể xử lý hình sự được không?
Sau sự việc xảy ra đối với sản phụ ở Bình Phước, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết chỉ có thể lên án tài xế ở khía cạnh đạo đức, tình người, không thể xử lý trách nhiệm hình sự tài xế về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, theo Điều 132 Bộ luật Hình sự - BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng phân tích, dấu hiệu cơ bản cấu thành tội của Điều 132 BLHS là người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết. Tuy nhiên, trong sự việc bỏ rơi sản phụ tại H.Bù Đăng (Bình Phước), thời điểm tài xế bỏ mặc mẹ con sản phụ thì thai nhi chưa được sinh ra, người tử vong là thai nhi, không phải sản phụ nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự tài xế.
Theo luật sư Hưng “đây là một lỗ hổng, khoảng trống pháp luật khi không dự liệu được những tình huống rằng nếu bỏ rơi, không cứu giúp sản phụ dẫn đến thai nhi chết thì cũng phải bị buộc tội theo Điều 132 BLHS”.
Dù không truy cứu được trách nhiệm hình sự tài xế, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định gia đình sản phụ có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu tài xế bồi thường thiệt hại về dân sự. “Giữa tài xế và sản phụ đã hình thành giao dịch vận chuyển, mà tài xế bỏ mặc giữa chừng dẫn đến hậu quả có người tử vong thì sản phụ và gia đình có quyền yêu cầu được bồi thường các chi phí ma táng, tổn thất tinh thần… theo luật định”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu.
Ngược lại, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) nhìn nhận: “Thời điểm tài xế yêu cầu sản phụ xuống xe, dù thai nhi chưa được sinh ra nhưng phải hiểu rằng, người nguy kịch đến tính mạng là hai mẹ con. Không thể nghĩ rằng thai nhi chưa ra đời thì không được tính là một tính mạng, và việc tài xế bỏ mặc gây nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con sản phụ dẫn đến cháu bé sơ sinh tử vong sau khi sinh thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 132 BLHS”.
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 6 giờ ngày 17.8, sản phụ V.T.Y cùng chồng thuê xe dịch vụ 7 chỗ của một nhà xe trên địa bàn xã, với giá thỏa thuận 750.000 đồng, để đi đến cơ sở y tế.
Sau khi đến trạm y tế của xã Thống Nhất khám trước, được các y tá, kíp trực ở trạm đề nghị lên tuyến trên, 2 vợ chồng chị Y. cùng tài xế đi tiếp.
Khi đi được khoảng 4 km, thấy chị Y. đau bụng dữ dội, tài xế N.Đ.N. (cũng là chủ xe) bất ngờ “mời” gia đình sản phụ Y. xuống xe.
Người chồng của sản phụ Y. cho biết: “Tài xế trải một tấm vải nhựa xuống dưới vệ đường, hai vợ chồng tự dìu nhau xuống. Sau đó một lát thì tôi thấy xe và tài xế bỏ đi”.
Khi vợ có dấu hiệu chuyển dạ, người chồng vô cùng căng thẳng. Sau đó anh đã điện về gia đình nhờ người nhà ra giúp đỡ, hô hoán những người đi đường cũng như điện báo về trạm y tế xã cách đó chỉ khoảng hơn 2 km để nhờ hỗ trợ.
“Khi con chào đời, chúng tôi thấy cháu cử động, nhưng do không biết gì nên không dám tác động vào bé. Một lúc sau, khi cán bộ y tế xã đến nơi thì thấy con tôi không còn cử động nữa”, chồng sản phụ Y. đau xót kể.
|
Bình luận (0)