Sao lại vận động phụ huynh đóng tiền lo cơm nước cho cán bộ coi thi ?

16/07/2020 06:29 GMT+7

“Đi coi thi có chế độ do ngân sách thanh toán, sao lại vận động phụ huynh đóng tiền lo cơm nước cho cán bộ coi thi? ” là câu hỏi mà nhiều bạn đọc đặt ra đối với một trường THPT ở H.Long Hồ, Vĩnh Long.

Theo đó, mới đây Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của một số phụ huynh học sinh Trường THPT Hòa Ninh (H.Long Hồ, Vĩnh Long) về một khoản đóng góp được cho là “lạ” tại trường: vận động đóng tiền cơm, nước để phục vụ cán bộ coi thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Cụ thể, chiều 10.7, lãnh đạo trường này mời phụ huynh đến họp để thông báo kết quả học tập và rèn luyện của học sinh lớp 12. Đáng chú ý, nhà trường thông báo năm nay học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp tại trường, không phải đi thi ở các trường khác. Do đó, ngoài khoản thu tiền ôn thi 650.000 đồng/học sinh, nhà trường vận động phụ huynh đóng thêm tiền cơm, nước cho các cán bộ gác thi từ nơi khác đến với mức bình quân 100.000 đồng/học sinh.
Sau đó, ông Nguyễn Phước Điền, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Ninh, phản hồi rằng việc kêu gọi đóng góp tiền là chủ trương của trường. Và “đây là kêu gọi vận động đóng góp, không có số tiền cụ thể, nhưng có thể khi người ta vận động có nói số tiền đóng góp. Ai đóng góp bao nhiêu thì đóng, không thì thôi”. Tuy nhiên, ở cấp độ quản lý cao hơn, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết Sở hoàn toàn không có chủ trương như vậy. Vận động tài trợ là không sai, trường vận động phụ huynh có thể tham gia hoặc không tham gia, nhưng vận động có “mức sàn” như vậy là không đúng.

Hoàn toàn không đồng ý việc vận động

Cách hành xử nêu trên đã gây ra nhiều tranh luận, trong đó một bạn đọc (BĐ) có địa chỉ email “thapltduc...@...” viết rằng: “Tôi ở gần trường này, ai ở nơi này mới biết khu vực này như thế nào. Đây là một xã ở vùng cù lao thuộc H.Long Hồ, ở đây muốn kiếm được chỗ ăn cơm phải chạy đi cách trường khá xa. Đương nhiên gần đó khoảng 1 km cũng có một vài tiệm hủ tiếu vườn. Giáo viên ở xa đến gác thi trường tổ chức nấu ăn, tôi nghĩ cũng hợp lý để đảm bảo điều kiện sức khỏe giáo viên (đâu phải thi 1 ngày đâu), kể cả kêu gọi phụ huynh ủng hộ tôi nghĩ cũng tốt, ai không ủng hộ thì thôi - không bắt buộc có gì mà sai? Quan trọng là công khai, không tư túi riêng, không gây khó dễ cho phụ huynh và học sinh là được...”.

Sẽ có nhiều nhà “hào phóng” đóng góp vào số tiền không tính trăm ngàn đâu... để gửi gắm con em mình thi. Liệu có chắc không có tiêu cực xảy ra không? Nên dừng lại vì các giáo viên gác thi đều có chế độ của nhà nước rồi. 

Thái

Tuy nhiên, nhiều BĐ lại không đồng tình với ý kiến nêu trên và bày tỏ: Hoàn toàn không đồng ý việc vận động này, dù số tiền có ít nhưng đóng góp phải dựa trên sự tự nguyện. Lợi dụng thời điểm phụ huynh học sinh đang lo lắng chuyện thi cử của con em mình lại vận động thì khó lòng có “sự tự nguyện” mà chỉ là sự miễn cưỡng đóng góp của phụ huynh vì một lý do “mơ hồ” nào đó.

Cần giám sát chặt chẽ

BĐ Hoa Mai chia sẻ: “Theo tôi biết, bất kể kỳ thi nào đều được chuẩn bị kỹ lưỡng từng khâu, từ cục phấn, cây viết... Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia thì sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng. Đi vận động tiền cơm, nước cho cán bộ coi thi thì quá kỳ cục”.

Nếu tư tưởng như vậy thì dạy đạo đức và cách sống trung thực cho học sinh chỉ là lý thuyết suông, lại tốn tiền mà không có hiệu quả? Ngành giáo dục nghĩ gì? 

Dang Xuan Dien

BĐ Nguyễn Nguyễn cũng chỉ rõ: “Cán bộ coi thi đều có chế độ theo quy định của nhà nước rồi; phần đóng góp của phụ huynh học sinh nên dùng để hỗ trợ trực tiếp cho học sinh đi thi, như: cơm nước, dụng cụ học tập cần thiết cho các em”.
BĐ Ngô Mạnh cũng chia sẻ dựa trên kinh nghiệm bản thân: “Tôi đi coi thi trong Quảng Ngãi 2 lần, chỉ dám nhận đúng số tiền hỗ trợ từ nhà nước theo đúng quy định. Không cán bộ nào dám nhận thêm khoản nào, dù hội phụ huynh có mời cơm cũng từ chối...”.
Chính vì vậy, nhiều BĐ trong đó có BĐ Quốc Ái, cho rằng “cần phải có cơ quan cấp trên giám sát chặt chẽ điểm thi này trong kỳ thi tốt nghiệp...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.