Sau vụ 'Lãng phí người tài': TP.HCM chú trọng đào tạo nhân lực đô thị thông minh

Trung Hiếu
Trung Hiếu
05/08/2019 04:44 GMT+7

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh sự việc liên quan đến 6 thạc sĩ học ở Mỹ, lãnh đạo UBND TP đã có hai cuộc họp để tìm giải pháp.

Một cuộc do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì làm việc sở ngành, cơ quan liên quan và một cuộc do ông Tuyến gặp 6 thạc sĩ để nghe tâm tư, nguyện vọng.
Ông Tuyến nói: Hiện Bộ Nội vụ đã công nhận 6 thạc sĩ là công chức tập sự. Sau khi được công nhận công chức tập sự, 6 thạc sĩ sẽ có 6 tháng làm việc ở đơn vị đã được phân công. Sau 6 tháng, UBND TP sẽ kiểm tra lại để có điều chỉnh cho phù hợp. Điều quan trọng là khi được công nhận công chức, 6 thạc sĩ sẽ được hưởng theo Nghị quyết 54 và thu nhập của mọi người sẽ ổn định hơn. Cứ để cho hết 6 tháng, UBND TP sẽ kiểm tra lại và sẽ sử dụng 6 thạc sĩ đúng với năng lực, trình độ.

Tạo điều kiện tốt nhất để 6 thạc sĩ đóng góp

Trong quá trình phối hợp với Công ty Intel VN cấp học bổng cho 6 thạc sĩ này, dường như sau đó UBND TP chưa có kinh nghiệm và lúng túng trong việc bố trí công việc cho 6 thạc sĩ sau khi học về?
Về việc này sau khi nghe và làm việc, UBND TP đã có chỉ đạo rút kinh nghiệm. Tức là sau này nếu có hợp tác với tổ chức nước ngoài đưa người đi học, đào tạo cần để ý mấy vấn đề. Thứ nhất, nên ưu tiên cho người đã làm việc ổn định tại các đơn vị ở TP. Ví dụ như Ban Quản lý đường sắt đô thị hay Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn cần nâng cao trình độ, chuyên môn của cán bộ, nhân viên thì đưa đi đào tạo. Điều này nếu thực hiện tốt sẽ rất thuận lợi.
Thứ hai là mình cần cái gì thì đặt hàng với họ chứ không phải họ giao cái gì mình cử người đi học cái đó. Không nên thấy người ta mời gọi lớp gì mình cũng cử người đi học. Nếu phù hợp thì tốt, còn không phù hợp thì cần có ý kiến. Cái dở của mình là ở chỗ đó. UBND TP cần đưa nhu cầu để phía đối tác giúp đỡ, hỗ trợ.
Thứ ba là các em mới ra trường muốn đi học ở nước ngoài cũng là điều rất tốt. Nhưng khi đưa đi đào tạo, UBND TP phải thống nhất đề tài học cho các em và nơi sau này về làm việc. Chứ không nên để các em tự đăng ký học rồi sau này về không biết bố trí ở đâu.
Vậy trách nhiệm liên quan đến bố trí công việc của 6 thạc sĩ thuộc về ai?
Vấn đề này còn mới với TP. Sở Thông tin - Truyền thông cũng nhiệt tình, nhưng nói thiệt chưa có kinh nghiệm trong chuyện này. Ngay cả UBND TP cũng không có kinh nghiệm, chứ không ai cố ý trong chuyện này. Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo TP đã gặp gỡ, tiếp xúc với 6 thạc sĩ này và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả, đóng góp của các em.
Ngoài thạc sĩ Phạm Quốc Thái dự kiến bố trí về nơi làm việc mới phù hợp, 5 người còn lại sẽ được giải quyết thế nào vì phần lớn những người này thu nhập chưa đảm bảo, công việc chưa phù hợp lắm?
Tôi nghĩ thu nhập các em này phải nằm trong khung chung chứ không thể vượt qua các anh em đã làm nhiều năm. Tất nhiên, TP sẽ không để các em phải vất vả. Khi được vào công chức, các em sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm 1,2 lần thu nhập theo Nghị quyết 54. Quan trọng là sau 6 tháng làm công chức tập sự, TP sẽ nghe lại nguyện vọng của các em để bố trí lại. Thậm chí dù các em không có nguyện vọng nhưng thấy cần thiết TP sẽ điều chuyển các em tới chỗ công việc phù hợp và thu nhập tốt hơn. Hiện nay Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội đang thiếu người lắm. Tôi là người được Chủ tịch UBND TP giao theo dõi sát công việc của 6 em này.

Nhân sự cho đô thị thông minh

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh vụ việc 6 thạc sĩ, UBND TP chú trọng hơn trong công tác đào tạo nhân sự, nhất là nhân sự chất lượng cao cho đề án đô thị thông minh. Hiện đề án nhân sự đã được TP thực hiện đến đâu?
UBND TP đã giao cho anh Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông lập đề án nhân sự liên quan. Đề án sẽ chú trọng vào việc lập, lên kế hoạch tài chính cho nhân sự đô thi thông minh từ đây đến năm 2026. TP xác định để làm được đô thị thông minh phải có kinh phí và nhân lực.
Hiện tại nhân lực của 4 trung tâm trụ cột (Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm an toàn thông tin) của đô thị thông minh như thế nào?
Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội mới đạt 50% biên chế của trung tâm, đang tiếp tục bổ sung để kịp cho Đại hội Đảng bộ TP. Trung tâm điều hành đô thị thông minh sắp tới sẽ ra mắt và dự kiến sẽ điều nhiều cán bộ, nhân viên có năng lực về trung tâm này. Chúng tôi dự kiến nâng cấp một phòng của UBND TP lên thành Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Nếu mấy em thạc sĩ phù hợp thì chúng tôi cũng đưa về trung tâm làm luôn.
Về vấn đề 6 thạc sĩ, sau khi Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc.

Giờ là lúc các em phải chứng minh khả năng của mình

Trả lời Thanh Niên ngày 4.8, bà Hồ Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel VN (đơn vị tài trợ học bổng cho 6 thạc sĩ đi học ở Mỹ), cho biết sau khi Báo Thanh Niên có bài phản ánh về công việc, thu nhập của 6 thạc sĩ, Intel VN có nhiều tác động tới lãnh đạo TP.
Tuy nhiên, Intel VN không thể can thiệp vào mức lương mà TP trả cho 6 thạc sĩ. Bà Uyên nói “giờ các em cần phải chứng minh khả năng của mình” và có suy nghĩ tích cực hơn.
Đó là thay vì đi du học gia đình phải bỏ tiền thì được Intel tài trợ 60.000 - 65.000 USD/trường hợp. Bà Uyên tin rằng 6 thạc sĩ này sẽ có rất nhiều cơ hội đóng góp cho TP và thời gian đầu không nên đặt nặng vấn đề thu nhập. Khi chứng minh được năng lực đồng nghĩa giá trị, thu nhập của mình cũng sẽ tăng lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.