Sẽ có thêm các bộ kit chẩn đoán, phân loại nCoV trong tháng 2

Thu Hằng
Thu Hằng
10/02/2020 06:58 GMT+7

Ngày 9.2 Bộ KH-CN cho biết Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt danh mục 3 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh nCoV.

Nhiệm vụ này được giao trực tiếp cho 3 tổ chức chủ trì, khẩn trương triển khai thực hiện 3 đề tài nghiên cứu. Trong đó, Học viện Quân y chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới vi rút Corona 2019 (nCoV-2019).
Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa - Biochem chủ trì phối hợp Viện Pasteur (TP.HCM) và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN Cần Thơ) nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới nCoV. Viện Pasteur chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, nCoV gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tại Việt Nam.
Dự kiến, trong 1 tháng nữa các đơn vị có thể sản xuất 3 loại bộ kit để chủ động phục vụ công tác chẩn đoán, phân loại bệnh nCoV-2019, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Riêng bộ sinh phẩm RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện có thể có sản phẩm sau 2 tuần nếu được tạo điều kiện thông quan nhanh hóa chất, nguyên liệu nhập khẩu và được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur cung cấp chứng dương nCoV (mẫu để làm xét nghiệm nCoV-2019). Đồng thời, các đơn vị sản xuất cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép đưa vào sử dụng các bộ sinh phẩm này theo quy trình rút gọn để phục vụ phòng, chống dịch.
Liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cũng như tài chính thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học bởi đây là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng quan trọng. Ông Tạc chia sẻ: “Dù Việt Nam vẫn được các tổ chức y tế quốc tế quan tâm hỗ trợ, Tổ chức Y tế thế giới cũng cung cấp vật mồi cho Việt Nam trong việc xét nghiệm chủng nCoV mới nhưng các nhà khoa học trong nước cần quyết liệt vào cuộc để có phản ứng đúng mức với dịch bệnh mới này trên cơ sở khoa học”.
Để góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, ngoài nghiên cứu xây dựng các bộ kit test nhanh, Bộ KH-CN sẽ tiếp tục xem xét, phê duyệt một số nhiệm vụ KH-CN độc lập cấp quốc gia theo hướng: nghiên cứu sản xuất vắc xin, nghiên cứu tác dụng của một số thuốc trong điều trị, sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ phục vụ phòng chống dịch, xe cứu thương áp suất âm…
Trước đó, tại cuộc họp giữa Bộ KH-CN và các chuyên gia, các nhà khoa học đã nhấn mạnh, với tốc độ lây nhanh của nCoV ở Trung Quốc, cho thấy tình hình phức tạp của dịch bệnh này. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, nhìn nhận Việt Nam có thể tự sản xuất sinh phẩm chẩn đoán để chủ động, không thể chờ quốc tế hỗ trợ. Khi có bộ kit test, VN có thể chủ động sàng lọc các ca nghi ngờ để cách ly. PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng việc chủ động sản xuất kit test giúp rút ngắn thời gian phát hiện bệnh, đồng thời phải nghiên cứu dịch tễ học ngay từ đầu để có thể thu thập được số liệu một cách đồng bộ từ những ca bệnh đầu tiên.
Về sản xuất vắc xin, TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vắc xin và sinh phẩm số 1, cho rằng cần ít nhất 3 tháng để khẳng định tính khả thi. Công ty đã chủ động liên hệ với phía Anh, đề nghị giúp Việt Nam trong việc phát triển vắc xin phòng bệnh do nCoV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.