Dự buổi tiếp có Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp cùng lãnh đạo các sở ngành TP.HCM.
[VIDEO] TP.HCM đưa ra 10 vấn đề cơ bản trong chính sách bồi thường ở Thủ Thiêm
|
Người dân tiếp tục nêu nhiều kiến nghị
Tại buổi tiếp dân, có hơn 10 ý kiến của đại diện các hộ dân, nội dung chủ yếu xoáy vào những tồn tại trong quá trình triển khai quy hoạch, đền bù, giải tỏa nhà đất…
Liên quan đến Kết luận kiểm tra 1483 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố ngày 7.9 vừa qua, đại diện các hộ dân cho rằng chưa thật sự đầy đủ, bởi lẽ nội dung kết luận này chỉ xác định 4,3 ha đất thuộc KP.1 (P.Bình An) nằm ngoài ranh quy hoạch; trong khi đó thực tế nhiều trường hợp người dân khiếu nại trong suốt nhiều năm qua còn ở một số khu phố khác “không nằm trong ranh quy hoạch Thủ Thiêm như KP.5, KP.6 thuộc P.An Khánh; KP.1, KP.2 thuộc P.Bình Khánh…”. Do vậy, người dân đề nghị phải thanh tra, kiểm tra toàn diện nhằm kết luận rõ ràng tất cả các nội dung khiếu nại; có phương án giải quyết căn cơ, nếu không thì vấn đề khiếu nại Thủ Thiêm không có điểm dừng.
|
Về ranh quy hoạch, đại diện các hộ dân đề nghị TP cung cấp tất cả các bản đồ liên quan đến Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, phải có giải thích thỏa đáng, cung cấp danh sách các dự án mà TP lấy đất tái định cư để giao. Đặc biệt, những ai làm sai thì phải bị xem xét trách nhiệm hình sự. "Những khiếu nại của chúng tôi cần có kiểm tra, kết luận rõ ràng hơn. Đừng để tàn dư của nhóm lợi ích tồn tại ở Thủ Thiêm, bởi nếu còn tồn tại thì không thể giải quyết được vấn đề người dân khiếu nại. Nếu thực tâm giải quyết, người dân chúng tôi sẽ hiến kế giải quyết có thể xong trong 1 tháng", một hộ dân nói.
[VIDEO] Ông Nguyễn Thành Phong: "Tôi làm không xuất phát từ lợi ích người thì từ cái gì?"
|
Xem xét thấu đáo các khiếu nại
Trả lời ý kiến của các hộ dân, ông Nguyễn Hồng Điệp khẳng định mục đích của buổi tiếp dân là để lắng nghe tất cả các ý kiến liên quan đến nội dung kết luận, kể cả các nội dung bên ngoài kết luận mà TTCP công bố. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét giải quyết thấu đáo vấn đề người dân nêu ra. Ông Điệp cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Chính phủ rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo về vấn đề Thủ Thiêm. Đơn khiếu nại của người dân gửi đến đều được TTCP xem xét. Vì vậy, để có thể sớm giải quyết rốt ráo, rất mong có sự hợp tác, chia sẻ, đồng thuận từ phía người dân.
Về yêu cầu cung cấp các bản đồ Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho hay TP có hơn 10 bản đồ liên quan đến quy hoạch, hạ tầng…, nhưng đều làm từ cách đây 20 năm nên rất thô sơ và không có tính thống nhất về ranh. Tuy nhiên, hiện TP cơ bản đã hình dung được ranh của khu vực 4,3 ha thuộc KP.1 (P.Bình An) và đang xin ý kiến các cơ quan T.Ư trước khi công khai, tổ chức cắm mốc giới trên thực địa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh thanh tra TP.HCM, cho biết UBND TP.HCM đã chỉ đạo sở ngành liên quan tổ chức kiểm tra các dự án ở Thủ Thiêm để báo cáo Thủ tướng. "Đặc biệt, UBND TP.HCM chỉ đạo trước ngày 30.11 tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ…", ông Tuyền nói.
[VIDEO] Ông Nguyễn Thành Phong: "Đảng không dung túng cho những hành động tham nhũng, nhũng nhiễu"
|
Những trường hợp nào được tái bồi thường ?
Liên quan đến dự án Thủ Thiêm, có khoảng 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời.
Tại buổi tiếp dân, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Q.2, Tổ trưởng Tổ công tác về chính sách bồi thường Thủ Thiêm, lần đầu tiên công bố đề xuất chính sách tái bồi thường, hỗ trợ nhà đất bị giải tỏa ở Thủ Thiêm với 10 nội dung chính. Theo đó, tổ công tác đang tính toán điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với nhà đất đã bị thu hồi qua các giai đoạn; có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch và chuyển mục đích sử dụng qua các thời kỳ; các trường hợp thuê đất do nhà nước quản lý; nhà đất bị giải tỏa một phần; điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen kẽ đất ở… với khoảng 2.000 hộ dân.
Về vấn đề này, trả lời Thanh Niên sau buổi tiếp dân, một cán bộ UBND Q.2 cho biết riêng khu 4,3 ha dự kiến có chính sách riêng theo nguyên tắc hoán đổi đất và bù chênh lệch giá vào thời điểm thực hiện. Còn chính sách đề xuất tại buổi tiếp dân dự kiến áp dụng chung cho các khu vực còn lại ở Thủ Thiêm. Lý do thực hiện chính sách mới, theo vị cán bộ, là qua rà soát nhận thấy có một số bất cập về chính sách bồi thường, hỗ trợ đã thực hiện trước đây và tổ công tác đề xuất chính sách để xem xét điều chỉnh, bổ sung. Trong số khoảng 15.000 hộ dân toàn Thủ Thiêm, có khoảng 2.000 hộ trước đây bị ảnh hưởng bởi một số bất cập về chính sách bồi thường, hỗ trợ đã thực hiện. Việc xem xét cũng chỉ tính đến số hộ bị ảnh hưởng do chính sách bất cập, còn các trường hợp còn lại đã thực hiện đúng chính sách nên không thay đổi, bổ sung đền bù, hỗ trợ. Do chính sách mới đang trong giai đoạn xem xét, thông qua nên chưa xác định được tổng kinh phí cần phải chi thêm là bao nhiêu.
Cũng theo vị cán bộ này, sau khi có kết luận của TTCP, tính đến nay có hơn 4.000 đơn của người dân Thủ Thiêm gửi đến UBND Q.2, nội dung chủ yếu liên quan đến bồi thường, giải tỏa và hiện các cơ quan có thẩm quyền đang xem xét.
Giải quyết theo hướng tốt nhất có thể
Tại buổi tiếp dân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định ông không né tránh, chính quyền TP cũng không né tránh, mà thực tâm giải quyết khiếu nại “vì giải quyết được vấn đề Thủ Thiêm sẽ giải quyết được cuộc sống của người dân Thủ Thiêm, cũng như giải quyết được những vấn đề liên quan đến sự phát triển của TP”.
“Tôi sẽ còn tiếp dân Thủ Thiêm nữa. Nếu tôi không vì lợi ích, hạnh phúc người dân thì tôi không còn tư cách làm lãnh đạo. Tôi nói bằng tấm lòng của mình. TP đang tập trung, tích cực phối hợp tổ công tác của Chính phủ, rà soát tất cả cái nào sai thì phải sửa, sai tới đâu sửa tới đó, liên đới trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức nào thì cũng xử lý”, ông Phong nói.
Ông Phong khẳng định TP tiếp tục cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để xem xét bổ sung, hoàn thiện chính sách mới, giải quyết theo hướng tốt nhất có thể, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân có nhà đất bị thu hồi, giải tỏa. Những vấn đề vượt thẩm quyền của TP sẽ kiến nghị Thủ tướng, các cơ quan có thẩm quyền xem xét để làm sao hỗ trợ hiệu quả, chăm lo lợi ích cho người dân Thủ Thiêm.
Về vấn đề thanh tra toàn diện Thủ Thiêm, ông Phong cho hay TTCP đang hoàn chỉnh kết luận. Theo ông Phong, nếu nói Kết luận 1483 “là kết luận theo hợp đồng lợi ích nhóm” là không có cơ sở, mang tính chất quy chụp, bởi đây là kết luận chính thức của TTCP. “Kết luận thanh tra nếu thấy có điểm nào chưa phù hợp thì các hộ dân cứ có ý kiến để tôi báo lại với tư cách là người lắng nghe”, ông Phong phát biểu và mong muốn người dân chia sẻ, có sự đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề Thủ Thiêm để cùng hướng đến những kết quả tích cực hơn.
|
Bình luận (0)