Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 20.9, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo bà Thúy Anh, tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những nội dung chính được người lao động và dư luận xã hội quan tâm. Phương án tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 và nữ lên 60 kể từ năm 2021, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số đại biểu còn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau.
Ngoài ra, qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo bộ luật sửa đổi lần này cho thấy, vẫn còn 2 quan điểm khác nhau về quy định tuổi nghỉ hưu.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung - cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số..., không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.
Quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo bộ luật sửa đổi, như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội.
Bà Thúy Anh cho hay, do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, nên Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án về tuổi nghỉ hưu để xem xét, cho ý kiến.
Theo đó, phương án 1 (quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình): tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.
Từ 1.1.2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung - cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Phương án 2 (Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi): tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Thảo luận vấn đề này, đa số các đại biểu tán thành với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phương án 2 đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong luật về lộ trình cho từng năm, để thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu và xác định được thời điểm hoàn thành.
“Nếu giao Chính phủ quy định lộ trình như phương án 1, lộ trình có thể đi nhanh hoặc đi chậm tùy theo từng năm. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần phải minh bạch, rõ ràng mốc thời gian cụ thể, để lao động nam và lao động nữ và cả người sử dụng lao động biết được thời điểm về hưu của lao động, để có sự chuẩn bị kế hoạch cho tương lai”, bà Ngân bày tỏ.
Chốt lại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ trình cả 2 phương án để Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới. Trong đó, phương án 2 sẽ là phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, còn phương án 1 là phương án của Ủy ban Về các vấn đề xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị một số luật chuyên ngành có quy định những trường hợp được kéo dài tuổi nghỉ hưu so với quy định thì nên đưa vào bộ luật Lao động sửa đổi để luật hóa quy định này một cách thống nhất.
Bình luận (0)