Ngày 17.9, Ban soạn thảo dự thảo luật Lao động sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo dẫn đầu đã đến làm việc với Tổng công ty May 10 để nghe ý kiến của công nhân và doanh nghiệp góp ý dự thảo luật Lao động sửa đổi.
Góp ý nội dung tăng tuổi nghỉ hưu, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho rằng nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo nam lên 62 và nữ lên 60 tuổi cần có lộ trình về thời gian. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể theo từng nhóm những trường hợp nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu chung như: NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… được quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
|
“NLĐ có khả năng, cơ hội đóng góp ở độ tuổi cao, trong thực tế chỉ là số ít. Sẽ có rất ít người lao động ngành dệt may được hưởng chế độ hưu do không thể làm đến đủ tuổi nghỉ hưu, vì tính chất công việc, ngành nghề. Điều đó vô hình trở thành rào cản cạnh tranh cho doanh nghiệp gây bất ổn đến đời sống của NLĐ. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên để côn công nhân dệt may nghỉ hưu ở tuổi 55 là hợp lý”, ông Việt bày tỏ.
Đại diện cho công nhân lao động, bà Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty May 10, mong muốn ban soạn thảo nên nghiên cứu sâu, lắng nghe ý kiến của lao động các ngành nghề, từ đó đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng ngành để anh em công nhân phát huy trí tuệ và hoàn thành tốt công việc.
Bà Dân bộc bạch: “Công nhân ngành may tập trung nhiều vào đôi mắt, đến độ tuổi 40-45 thị lực sụt giảm đáng kể. Tôi làm quản lý lao động luôn cố gắng tạo điều kiện cho anh em có tuổi làm các công việc khác. Ngoài lý do sức khỏe không đảm bảo, NLĐ không muốn trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Những NLĐ năng suất kém, tay nghề chậm… công ty vẫn phải bù lương từ 1,5-1,7 triệu/tháng. Nếu cứ đều đều như thế, mỗi năm tiền bù lương 15-18 triệu/người”.
Thay mặt ban soạn thảo tiếp thu ý kiến công nhân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, khẳng định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, đây là vấn đề nhìn xa trông rộng, vì lợi ích lâu dài của đất nước. “Chúng ta không làm bây giờ thì con cháu chúng ta sẽ phải gánh hậu quả. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vì tương lai lâu dài, chứ không phải là để giữ ghế hay vì tương lai của ai đó …”, ông Dung nói.
Theo ông Dung, ban soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến góp ý của doanh nghiệp và NLĐ, hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 20.9 tới. Tuy nhiên, điều ban soạn thảo băn khoăn nhất hiện nay là một bộ phận lao động trực tiếp, lao động nặng nhọc độc hại, chưa hiểu rõ quan điểm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lần này. “Doanh nghiệp và công đoàn cần phổ biến cho NLĐ hiểu rõ phương án mà dự thảo đưa ra chỉ áp dụng cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Còn những NLĐ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại vẫn có thể được nghỉ hưu trước từ 5-10 năm. Trong đó, ngành dệt may cũng có nhiều công việc nặng nhọc độc hại, cần được nghỉ hưu trước tuổi.”, ông Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cũng đề nghị doanh nghiệp cần quan tâm đến tay nghề, kỹ năng của NLĐ, đặc biệt quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ, đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ.
Bình luận (0)