Cuối năm nay sẽ có mức phí phương tiện vào nội đô
Trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải sáng 9.3, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện đã nhấn mạnh tới việc sẽ sớm xây dựng lộ trình cấm xe máy ở các quận vào 2030 và khẩn trương triển khai việc thu phí phương tiện vào nội đô.
Theo ông Viện, hiện Sở Giao thông vận tải đang nghiên cứu để trình UBND, tiến tới trình HĐND 2 đề án. Đề án thứ nhất là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.
Theo ông Viện, chủ trương đến 2030, Hà Nội cấm xe máy ở các quận là đã có bằng Nghị quyết 04 đã được HĐND TP thông qua năm 2017, nhưng vẫn phải xây dựng một đề án khác để có lộ trình cụ thể, trong đó có việc dừng đăng ký mới xe máy. Hiện, Sở Giao thông vận tải đang cùng với Viện Chiến lược giao thông bàn thảo về lộ trình này.
“Khi chúng ta xây dựng Nghị quyết 04 cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng HĐND nhất trí phải có giải pháp (giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông). Nếu cấm được xe máy càng sớm càng tốt”, ông Viện nói.
Đề án thứ hai, theo ông Viện, là xây dựng đề án thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm dễ gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vẫn được gọi tắt là thu phí phương tiện vào nội đô.
Theo đó, việc này UBND TP.Hà Nội đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất, vì muốn làm được sẽ phải bổ sung phí phương tiện vào nội đô vào danh mục phí, lệ phí đã được quy định trong luật.
|
Được biết, Bộ Tài chính đã đồng ý với Hà Nội về phương án này, giao TP xây dựng đề án báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội xem xét bổ sung loại phí này vào luật.
Theo ông Viện, cuối năm nay, đề án thu phí phương tiện vào nội đô sẽ được trình HĐND để báo cáo Chính phủ.
Thu phí là để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân?
Quan điểm này được ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội nhiệt liệt hưởng ứng. Theo ông Đông, “ô tô đã có tiêu chuẩn khí thải nhưng xe máy không có tiêu chuẩn, nên tới đây, thành phố cần sớm hạn chế và cấm phương tiện xe máy ngày nào hay ngày đấy, nhất là trong nội đô, sẽ cải thiện chất lượng môi trường không khí của thành phố”.
Ông Đông dẫn số liệu của 10 trạm quan trắc không khí trong 3 năm vừa qua cho thấy, vào giờ cao điểm, chất lượng không khí của Hà Nội sẽ rất kém. Bụi PM 2.5 rất nhiều là do ô tô và xe máy thải ra, rất nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.
Giám đốc Sở Tài chính Lê Minh Hải cho biết nội dung này sẽ được chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị trước khi đưa ra Quốc hội.
“Trong báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị để đồng chí Bí thư báo cáo Bộ Chính trị, chúng ta cũng nói rõ mục tiêu (của việc thu phí vào nội đô) là để hạn chế, giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sống củaa người dân, chứ không phải đưa ra để thu bao nhiêu phí”, ông Hải nói và “kiến nghị Sở Giao thông vận tải” phối hợp với chúng tôi trong việc tiếp tục sử dụng các công cụ tài chính liên quan đến điều tiết giao thông, hạn chế phương tiện và đem lại môi trường tốt hơn theo đề án.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng cho rằng hạn chế xe vào trung tâm và hạn chế phương tiện cá nhân là những việc rất cấp bách rồi, nếu không thì Hà Nội sẽ bị ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Xe ngày càng rẻ đi, xây bao nhiêu cái đường cho đủ. Phải hạn chế dần theo từng tuyến, nhất định chúng ta phải làm”, Bí thư Hà Nội chỉ đạo.
Bình luận (0)