Tài xế bỏ rơi sản phụ, bé sơ sinh tử vong: Có thể khởi tố hình sự?

Phan Thương
Phan Thương
20/08/2019 13:30 GMT+7

Các chuyên gia pháp luật đang có những tranh cãi rằng thai nhi 'có được xem là một người?' trong góc độ pháp luật, để xem xét trách nhiệm của tài xế bỏ rơi sản phụ, khiến thai nhi bị tử vong sau sinh.

Sản phụ V.T.Y (xã Thống Nhất, H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị tài xế Nguyễn Đức Nhạc “bỏ rơi” giữa đường khi đang chở chị cùng chồng đến bệnh viện sinh nở, khiến thai nhi sinh non giữa đường, bị tử vong sau đó.
Dư luận hiện đang phẫn nỗ về hành vi của tài xế, khẳng định tài xế quá nhẫn tâm, tàn nhẫn. Ở khía cạnh pháp lý, các chuyện gia cũng đang có những tranh cãi, rằng hành vi của tài xế Nguyễn Đức Nhạc chỉ dừng lại ở mức "lên án về mặt đạo đức", hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS)?.

“Thai nhi cũng là một sinh mạng”

Luật sư (LS) Hoàng Cao Sang (Đoàn LS TP.HCM) nêu: “Thời điểm tài xế yêu cầu sản phụ xuống xe, dù thai nhi chưa được sinh ra nhưng phải hiểu rằng, người nguy kịch đến tính mạng là hai mẹ con. Không thể nghĩ rằng thai nhi chưa ra đời thì không được tính là một sinh mạng, và việc tài xế bỏ mặc gây nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con sản phụ dẫn đến cháu bé sơ sinh tử vong sau khi sinh thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 132 BLHS”.
Đồng tình, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng bào thai khi đã hình thành cũng được xác định là một con người.
LS Tuấn phân tích: “Cơ sở pháp lý gián tiếp thừa nhận những quyền lợi của một thai nhi như một con người", và dẫn chứng chẳng hạn Điểm a khoản 2 Điều 593 bộ luật dân sự (BLDS) 2015 quy định "người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi..."
Hoặc khoản 1 Điều 660 (BLDS 2015) cũng quy định: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng”, l
Từ đó, theo LS Tuấn, dù không trực tiếp quy định thai nhi là con người/trẻ em nhưng những quy định gián tiếp như trên đã thừa nhận thai nhi là con người, vì vậy việc bỏ mặc thai phụ khiến mẹ con họ rơi vào tình trạng nguy kịch, dẫn đến 1 trong hai người chết, thì phải xem xét xử lý hình sự về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” hoặc tội “vô ý làm chết người”.

Khó xử lý hình sự?

Khác với những lập luận trên, trao đổi với PV Thanh Niên, LS Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) và tiến sĩ Phan Anh Tuấn (giảng viên Đại học Luật TP.HCM) lại cho rằng hành vi của tài xế đáng bị lên án về mặt đạo đức, nhưng khó truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo hai chuyên gia trên, dấu hiệu cơ bản cấu thành tội của Điều 132 BLHS là người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết.
Song, trong sự việc bỏ rơi sản phụ tại H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, thời điểm tài xế bỏ mặc mẹ con sản phụ, thì thai nhi chưa được sinh ra, người tử vong là thai nhi, không phải sản phụ, nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự tài xế.
Luật sư Trần Mạnh Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay dù gia đình sản phụ hoặc sản phụ chưa có đơn thư tố cáo, trình bày sự việc nhưng khi biết sự việc, chính quyền địa phương, đoàn thể có quyền làm đơn đề nghị cơ quan chức năng, cụ thể là công an vào cuộc, xem xét hành vi của tài xế có dấu hiệu phạm tội hay không.
Trên thực tế, Công an H.Bù Đăng (Bình Phước) đã vào cuộc làm rõ vụ tài xế bỏ rơi sản phụ trên đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.