TAND tỉnh Cà Mau sẽ xử... chính mình: Nên có một cơ chế đặc biệt

21/08/2014 06:55 GMT+7

Sau khi Thanh Niên ngày 20.8 đăng bài TAND tỉnh Cà Mau sẽ xử... chính mình , dư luận đặt ra vấn đề dù theo trình tự pháp luật là đúng, nhưng liệu việc xét xử có khách quan khi tòa án cấp dưới lại đi xét xử quyết định của cấp trên hoặc tòa tự xét xử chính mình.

Sau khi Thanh Niên ngày 20.8 đăng bài TAND tỉnh Cà Mau sẽ xử... chính mình, dư luận đặt ra vấn đề dù theo trình tự pháp luật là đúng, nhưng liệu việc xét xử có khách quan khi tòa án cấp dưới lại đi xét xử quyết định của cấp trên hoặc tòa tự xét xử chính mình. 

TAND tỉnh Cà Mau sẽ xử... chính mình: Nên có một cơ chế đặc biệt
 Minh họa: DAD

Về lý thì đúng

Hầu hết các chuyên gia pháp luật đều cho rằng việc TAND cấp huyện (TAND TP.Cà Mau) thụ lý xét xử sơ thẩm để xử một quyết định của tòa cấp trên và khi có kháng cáo, TAND cấp tỉnh lại xử chính mình là đúng theo quy định pháp luật. Khoản 1, điều 23 luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước quy định rất rõ: "Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là TAND cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc...". Về trình tự thủ tục tuy là đúng vì luật đã quy định như thế, nhưng không thể không băn khoăn liệu việc xét xử có khách quan hay không khi tòa lại đi xử chính mình.

Theo thạc sĩ, luật sư (LS) Phan Thông Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn LS VN tại TP.HCM, trong trường hợp này để đảm bảo tính khách quan, thẩm phán xét xử phải xem TAND tỉnh Cà Mau như một chủ thể bình thường chứ không nên xem là một tòa án cấp trên. Trong quá trình xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân phải thực hiện đúng nguyên tắc nhân danh nhà nước, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Thêm vào đó, việc xét xử ở tòa cấp tỉnh phải được giao cho một thẩm phán khác, không phải là thẩm phán đã ra quyết định trước đó (quyết định bị khiếu nại) để xử lý vụ việc. Nếu thẩm phán xét xử được phân công chính là thẩm phán đã ra quyết định hoặc bản án bị khiếu nại trước đó thì đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 

 

Đã có trường hợp tương tự

Tại tỉnh Thái Bình cũng xảy ra vụ việc tương tự ở Cà Mau. Theo đó, TAND TP.Thái Bình đã xét xử và buộc TAND tỉnh Thái Bình bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (ngụ ở TP.Thái Bình) 21 tỉ đồng do gây ra oan sai. Sau khi án tuyên, cả ông Phi và tòa không kháng án nên không dẫn đến tình trạng tòa xử chính mình.

TAND tối cao có thể can thiệp

Về pháp lý, bà Nguyễn Ánh Minh (người bị truy tố, xét xử về tội chiếm đoạt tài sản) không còn sự lựa chọn nào khác, bà Minh cũng không thể khiếu nại vượt cấp lên tòa án tối cao được. Do vậy, theo một số chuyên gia, cần phải có một cơ chế đặc biệt để xử lý vụ việc nhằm đảm bảo tính khách quan.

LS Nguyễn Đức Tâm (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng về tâm lý thì việc nghi ngại tòa sẽ xử không khách quan khi bị đơn là "cấp trên" của mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra. "Nên chăng, cần có một cơ chế riêng trong trường hợp bị đơn bồi thường thiệt hại là cơ quan tòa án", LS Tâm kiến nghị. Cũng theo LS Tâm, trên thực tế, việc người dân đi kiện tòa dù ít xảy ra, dù pháp luật quy định thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử nhân danh nhà nước, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng xét về yếu tố tâm lý thì việc lo ngại sự thiếu khách quan không phải không có cơ sở. Vì vậy, có thể quy định thành lập một ủy ban xét xử độc lập hoặc giao hẳn cho tòa cấp trên xử lý trong trường hợp tòa án là bị đơn.

Về quy định pháp luật hiện nay, LS Phan Thông Anh cho rằng vẫn còn một thủ tục để hạn chế sự thiếu khách quan, đó là nếu phán quyết của tòa cấp tỉnh không thỏa đáng thì bà Minh cũng còn có quyền khiếu nại lên tòa án tối cao để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo LS Anh, trong trường hợp này nên có sự tham gia của Viện KSND. Bà Minh có thể làm đơn kiến nghị Viện KSND tham gia trong quá trình xét xử để đảm bảo cho việc xét xử theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng.

Ông Hoàng Kim Chiến, Phó cục trưởng Cục Công tác phía nam (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, dù theo nguyên tắc thì thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, tuy nhiên trong thực tế, những tình huống tương tự rất có thể sẽ "tác động" ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án. Theo ông Chiến, TAND tối cao với quyền hạn của mình có thể can thiệp trực tiếp vào vụ án hoặc có thể đưa vụ án lên TAND tối cao để xét xử theo thẩm quyền nếu nhận thấy có căn cứ cho rằng tòa cấp tỉnh không khách quan trong giải quyết vụ án. Đương sự có quyền làm đơn gửi TAND tối cao để kiến nghị.

TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết việc tòa án tự xử mình chỉ xảy ra sau khi luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước được ban hành và có hiệu lực. Trước đó, các vụ việc có tính chất tương tự như thế này được thực hiện theo Nghị quyết 388 của Quốc hội về bồi thường oan sai và được hai bên thỏa thuận với nhau. Theo ông Khiển, trước đây khi thảo luận về luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đã có một số ý kiến băn khoăn nhưng sau đó vẫn thông qua.

Sẽ được tập hợp lại để nghiên cứu sửa đổi

Khi không đồng tình cấp sơ thẩm thì đương nhiên phải xử phúc thẩm, theo quy định hiện hành không thể có cấp nào khác được làm thay. Những vụ việc như thế này sẽ không tránh khỏi gây băn khoăn dư luận nhưng luật pháp đã quy định như thế nào thì phải thực hiện cho đúng, không thể làm khác. Tuy nhiên những vấn đề như thế này sẽ được tập hợp lại để nghiên cứu, sửa đổi.

Ông Đỗ Văn Đương,
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Hải Nam - Thái Sơn

>> TAND tỉnh Cà Mau sẽ xử... chính mình !
>> Án oan từ những chiếc xe lăn
>> Xin lỗi công khai người bị kết án oan sai
>> TAND tỉnh Quảng Bình xin lỗi người bị kết án oan
>> Quốc hội quyết định giám sát án oan
>> Án oan và xin lỗi 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.