Tàu xe về Tết đông đúc, túc trực điều tiết giao thông tại các điểm nóng

11/02/2018 09:52 GMT+7

Cận tết, lượng người đổ về quê ăn tết rất đông, khiến các tuyến giao thông quá tải gây ùn ứ. Lực lượng CSGT được tăng cường phân làn và điều tiết giao thông ở các điểm nóng.

Điều tiết giao thông, sẵn sàng xả trạm thu phí
Tiền Giang và Bến Tre là 2 điểm nóng giao thông trong những ngày giáp tết. Ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị nhiều phương án và luôn có CSGT, TTGT và CSCĐ túc trực điều tiết giao thông ở các điểm nóng xảy ra ùn tắc như vòng xoay Thân Cửu Nghĩa, ngã tư Lương Phú, ngã tư Đồng Tâm và Cầu Rạch Miễu.
Cầu Rạch Miễu khi bị ùn ứ thì CSGT hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre điều tiết từ xa cho một làn xe lưu thông qua cầu. Ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu (Bến Tre), cho biết trong những ngày trước, trong và sau tết, nếu xảy ra tình trạng kẹt xe khu vực trạm thu phí thì đơn vị sẽ xả trạm đến khi giao thông thông thoáng.
Đây được xem là giải pháp trước mắt nhằm góp phần giảm áp lực về giao thông để người dân đón Tết thuận lợi.
Cửa ngõ Hà Nội, TP.HCM ùn ứ
Từ hôm qua 10.2 (25 tháng Chạp), số lượng người dân tại Hà Nội di chuyển về quê ăn Tết bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt là về các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Các tuyến đường chính của Hà Nội đều kẹt cứng, đặc biệt cửa ngõ phía Nam Hà Nội bị ùn ứ cục bộ từ sáng. Ông Phạm Văn Loan, Trưởng trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết lượng phương tiện ùn tắc cục bộ tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ vào Hà Nội ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ dòng xe lưu thông qua trạm.
Chỉ một đoạn ngắn khoảng vài trăm mét, nhưng để thoát từ nút giao Pháp Vân ra cao tốc cũng mất hơn 30 phút.
Phương tiện ùn ứ khu vực ngã tư Đồng Tâm (Tiền Giang), hướng từ TP.HCM về miền Tây chiều 10.2 Ảnh: Lê Lang

Cùng ngày, tại TP.HCM, các trục giao thông chính luôn trong tình trạng ùn ứ. Các tuyến đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, xe cộ nối đuôi nhau di chuyển rất chậm. Đặc biệt, từ trưa đến chiều tối, đường Nguyễn Văn Linh, đoạn giao nhau với đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), ô tô dồn ứ không nhúc nhích được do lượng xe container, xe tải vào các cảng tăng đột biến, nhưng lại không có CSGT điều tiết giao thông.
Tăng chuyến để giảm áp lực
Lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam (Hà Nội) cho biết, bến xe Giáp Bát đã tăng cường trên 200 chuyến/ngày đi các tỉnh để đảm bảo hành khách không bị nhồi nhét. Ban quản lý bến xe cũng khuyến cáo hành khách nên mua vé tại bến.
Tối 10.2, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, trong ngày có hơn 1.600 xe xuất bến đưa hành khách về quê với hơn 45.000 lượt khách; tăng hơn 200 lượt xe và gần 10.000 lượt khách so với hôm trước.
Tuyến QL1 đoạn từ Công ty Samsung đến cầu vượt Linh Xuân, Q.Thủ Đức bị ùn tắc nặng lúc 16-17 giờ, nguy cơ xe không về bến rước khách kịp. Bến xe Miền Đông lập tức đề nghị Đội CSGT Bình Triệu tăng cường hàng chục chiến sĩ CSGT ra hiện trường phân làn và điều tiết giao thông. Dịp tết này, nếu kẹt xe đoạn đường từ Trạm 2 về đến Bình Triệu, Bến xe sẽ cho xe khách đi về hướng xa lộ Hà Nội. Bến xe cũng đang kiểm soát chặt việc tăng giá vé. Năm nay, xe khách về miền Trung có thuận lợi là hầm đèo Cả đã thông xe nên hạn chế tình trạng kẹt xe như những năm trước.
Khai trương tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu
Ngày 10.2, tại TP.HCM, công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (GreenlinesDP) đã khai trương tuyến vận tải hành khách từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ và Vũng Tàu bằng đội tàu cao tốc gồm 7 chiếc. Thời gian hành trình từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ là 90 phút và từ Cần Giờ đi Vũng Tàu la 30 phút. Tuyến có điểm đầu từ bến Bạch Đằng đi qua các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Ngã Bảy rồi đến bến Tắc Suất (H.Cần Giờ), qua mũi Gành Rái để đến bến Khu du lịch cáp treo Hồ Mây (TP.Vũng Tàu).
Tàu cao tốc phục vụ tàu cao tốc tuyến TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.