Nhiều trẻ em mắc bạch hầu
Kon Tum là địa phương đầu tiên của khu vực Tây nguyên xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ngày 6.7, bác sĩ Võ Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, cho biết từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã phát hiện 10 ổ dịch với 23 ca dương tính với bệnh bạch hầu, chưa có trường hợp tử vong.
Khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủngĐể chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế...
L.C
|
Còn tại tỉnh Đắk Nông, ngày 6.7, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông xác nhận trên địa bàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 25 trường hợp dương tính với bạch hầu; trong đó 2 ca đã tử vong. Đáng chú ý là có 2 ca nhiễm bạch hầu mới xuất hiện tại H.Đắk R’lấp. Trong khi đó, tại các ổ dịch cũ ở hai huyện Krông Nô và Đắk Glong phát hiện thêm một số ca dương tính sau khi ngành y tế mở rộng điều tra, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Hiện có 19 ca nhiễm bạch hầu đang được điều trị; trong đó 5 ca tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên (Đắk Lắk), 9 ca tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông và 5 ca tại Trung tâm y tế H.Krông Nô.
|
Gia Lai là tỉnh mới xuất hiện những ca bệnh bạch hầu đầu tiên nhưng tiềm ẩn những nguy hiểm. Từ ca bệnh đầu tiên là em V. (ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang, H.Đăk Đoa) đã tử vong sau nhiều ngày mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, điều trị đúng. Đến khi chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhi Gia Lai, bệnh đã chuyển nặng và tử vong vào sáng 5.7. Cũng trong ngày 5.7, tỉnh Gia Lai có thêm 9 ca khác dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó nhiều ca là trẻ em trong độ tuổi từ 10 - 14. Tất cả đều trú tại làng Bông Hiot và đều có mối quan hệ bà con, thân thích với em V. Hiện BV Nhi Gia Lai đang điều trị cho 6 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có hai gia đình cả bố, mẹ và con cùng bị mắc bệnh.
|
Ngăn bệnh bạch hầu lan rộng
Theo BS Lý Minh Thái, Giám đốc BV Nhi Gia Lai, những trường hợp bị bạch hầu đang điều trị tại BV đều có những triệu chứng như ho, sốt, đau họng. Có ca bị bệnh vài ngày nhưng có ca mới chớm bệnh, nhưng những triệu chứng ban đầu chỉ là viêm đường hô hấp cấp. “Chúng tôi đã đưa những trường hợp này vào điều trị ở khu cách ly của BV, điều trị tích cực và theo dõi sát chuyển biến của bệnh. Hiện sức khỏe của các bệnh nhân này đang khá lên”, bác sĩ Thái nói.
“Cháy” vắc xinTrước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, những ngày này tại TP.Pleiku (Gia Lai), nhiều người đưa con đến các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Số lượng người đến các điểm tiêm chủng tăng đột biến khi có thông tin về bệnh bạch hầu lan nhanh ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang, H.Đăk Đoa. Theo một nhân viên của Phòng Tiêm chủng dịch vụ Á Châu (TP.Pleiku), đơn vị này thông báo vắc xin đã hết, chậm nhất là thứ tư tuần sau mới có lại. Tất cả các điểm tiêm chủng khác cũng bắt đầu tình trạng “cháy” vắc xin.
T.H - Đ.N
|
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết Sở phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên đã thành lập đoàn công tác tổ chức phát phiếu điều tra, giám sát ổ dịch, khám sàng lọc, cấp thuốc kháng sinh dự phòng erythromycin cho các đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân và cho người dân xã Hải Yang nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
|
“Qua khám sàng lọc tại địa phương, đoàn công tác phát hiện thêm 20 trường hợp có triệu chứng sốt, ho, đau họng. Chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và chuyển đến các BV tuyến huyện, tuyến tỉnh để theo dõi, điều trị. Ngoài ra, chúng tôi có công văn đề nghị Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ Gia Lai khoảng 100.000 liều vắc xin Td để tiêm tăng cường, củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu cho nhân dân trên địa bàn H.Đăk Đoa”, ông Hải nói.
Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, ngành y tế tỉnh Kon Tum cũng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng thời tập trung giám sát chặt chẽ các ổ dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để cách ly sớm kịp thời. UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc, khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng.
Bình luận (0)