Tây Ninh: Cảnh báo loại tội phạm công nghệ cao lừa đảo

Giang Phương
Giang Phương
09/01/2021 10:52 GMT+7

Công an Tây Ninh cảnh báo về tình trạng tội phạm công nghệ cao sử dụng những phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người dân.

Ngày 9.1, Phòng  Xây dựng phong trào Bảo vệ An ninh Tổ quốc Công an tỉnh Tây Ninh cho biết trước đó đã phát đi cảnh báo về phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này. 

Chiếm đoạt tiền bảo hiểm khoản vay qua mạng

Theo Công an Tây Ninh, có 3 hình thức phổ biến mà tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trong thời gian qua.
Đó là lừa đảo bằng hình thức chiếm đoạt tiền bảo hiểm khoản vay của khách hàng.  Ở hình thức lừa đảo này, các nghi can sẽ lập nhiều trang Fanpage trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…) với tên của các công ty tài chính, cho vay tiền từ 5 - 7 triệu đồng/1 hợp đồng vay tín dụng, lãi suất 0,5%/tháng. Vì thủ tục "vay" đơn giản, chỉ cần chụp CMND, sổ hộ khẩu hoặc bằng lái, hóa đơn điện qua Zalo… nên thu hút nhiều người tham gia.
Sau khi cho nhân viên liên lạc tư vấn và yêu cầu khách hàng đóng phí bảo hiểm rủi ro 550.000 đồng/1 khoản vay, các nghi can lập hợp đồng giả, thông qua công ty chuyển phát nhanh gửi đến cho người vay và thu tiền bảo hiểm rủi ro sau đó chiếm đoạt số tiền này.

Công an P.Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân sau khi bị lừa đảo bằng hình thức công nghệ cao

ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Lừa đảo bằng phần mềm gián điệp

Phương thức khác là lừa đảo bằng gia công tranh đính đá. Theo đó, các nghi can dùng thủ đoạn tuyển người lao động gia công đính đá trên mạng xã hội, sau đó nhóm này sẽ mua tranh giá rẻ gửi cho người lao động và yêu cầu đặt cọc từ 350.000 - 450.000 đồng/tranh, tùy theo khổ tranh.
Các nghi can hứa hẹn sau khi hoàn thành gia công tranh sẽ thu lại với giá 650.000 -  750.000 đồng/tranh. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền cọc, các nghi can chiếm đoạt và chặn điện thoại liên lạc.
Ngoài ra, một phương thức lừa đảo nguy hiểm khác mà Công an Tây Ninh cảnh báo là phần mềm gián điệp đặc biệt nguy hiểm trên điện thoại hệ điều hành Android. Các nghi can sử dụng điện thoại ảo VoIP (tạo và gọi trên nền internet, giả lập giống số điện thoại cố định, di động tại Việt Nam), giả mạo điện thoại các cơ quan thi hành pháp luật với các đầu số +0-99…, +099… và đuôi số điện thoại là …113.
Các nghi can gọi cho bị hại, thông báo bị hại đang bị điều tra trong các chuyên án, vụ án và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, kê khai tiền mặt, tiền có trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các nghi can làm giả lệnh bắt, giấy triệu tập của cơ quan công an, Viện KSND, Tòa án để đe dọa và yêu cầu nạn nhân cài đặt ứng dụng chạy trên hệ điều hành Android, mạo danh phần mềm của Bộ Công an có hình ảnh “Công an hiệu” và kèm chữ “Bộ Công an”. Từ đó kiểm soát thông tin cá nhân trên điện thoại di động, mật khẩu tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

'Chỉ trả lời, không được hỏi lại'

Trước đó, ngày 10.7.2020, Công an P.Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh (Tây Ninh) tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà N.T.N (ngụ P.Tây Ninh) về việc nhận cuộc gọi giả danh công an đang điều tra để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt 230 triệu đồng.
Bà N. cho biết bà nhận được cuộc gọi lạ, một người đàn ông tự xưng là "cán bộ ở Bộ Công an" thông báo bà có liên quan đến một người đã bị bắt trong đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia.
Bà N. bị yêu cầu đối chiếu CMND, sổ tiết kiệm. Bà N. bị yêu cầu chỉ được trả lời các câu hỏi liên quan và không được phép hỏi lại trong khi cung cấp thông tin "để điều tra". Đồng thời, tuyệt đối không tiết lộ "chuyên án" đang điều tra cho bất kỳ ai kể cả người thân, nếu không sẽ chịu trách nhiệm hình sự. Nghĩ mình không làm gì có tội nên bà N. cung cấp đầy đủ thông tin cho đối tượng giả danh và bà đến ngân hàng để chuyển 230 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi bà N. mang tiền đi chuyển thì con trai bà N. điện thoại cho mẹ, được mẹ  kể lại nên kịp thời báo đến trình báo công an về vụ tội phạm công nghệ cao lừa đảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.