Thanh Hóa: Dân bức xúc vì chính quyền cấm bán thịt lợn tại chợ

24/05/2019 17:21 GMT+7

Mặc dù không có quy định nào cấm buôn bán thịt lợn đảm bảo chất lượng, nhưng nhiều nơi trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) lại cấm người dân buôn bán thịt lợn.

Theo phản ánh của nhiều tiểu thương buôn bán thịt lợn trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), khoảng 1 tuần nay, chính quyền đã ra thông báo về việc ngừng kinh doanh, buôn bán thịt lợn ở nhiều chợ trên địa bàn, như chợ Thiều (xã Dần Lý), chợ Sim (xã Hợp Thành), chợ Nông Trường (xã Nông Trường) để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 24.5, theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Thiều (xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn), khoảng 120 quầy thường ngày chuyên bán thịt lợn đều không một bóng người. Khu vực bán thịt lợn có treo băng rôn, biển báo cấm bán thịt lợn.
Từ ngày 16.5, chính quyền ra thông báo cấm bán thịt lợn tại chợ Thiều khiến nhiều người bất ngờ ẢNH MINH HẢI
Chị Đào Thị Nhung (46 tuổi, người dân xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn), cho biết gia đình chị chuyên buôn bán thịt lợn tại chợ nhiều năm nay. Từ ngày 18.5, gia đình chấp hành lệnh cấm nên không mổ lợn đưa đến chợ bán.
“Tôi biết trên địa bàn xã Dân Lý đã có dịch tả lợn châu Phi, nên chính quyền địa phương tìm mọi cách để phòng, chống dịch lây lan. Thường ngày, gia đình tôi mổ lợn đưa đến chợ bán, lợn đều có nguồn gốc, khỏe mạnh, xác định là không bị bệnh, nhưng không hiểu sao chính quyền lại cấm bán. Việc nhiều ngày nay không được bán thịt lợn ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của gia đình, cũng như những mối hàng mà từ trước đến nay gia đình tôi đang cung cấp”, chị Nhung nói.
Ông Lê Văn Minh (50 tuổi, người dân xã Dân Lý) đã có gần 20 năm buôn bán thịt lợn tại chợ Thiều, cho biết ông hiểu và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nhưng việc cấm bán thịt lợn tại chợ là không đúng quy định.
“Tôi biết, các cấp chính quyền, các ngành chức năng không chỉ ở Thanh Hóa mà nhiều nơi trên cả nước đang căng mình phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Bà con chúng tôi cũng ý thức được việc đó, nhất là những hộ buôn bán thịt lợn như chúng tôi. Tôi nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài phòng chống dịch, thì việc chăn nuôi, tiêu thụ lợn, thịt lợn vẫn diễn ra bình thường, đối với lợn không bị nhiễm bệnh, nên việc cấm tiệt bán thịt lợn tại chợ Thiều là không đúng quy định. Theo tôi hiểu, là chỉ cấm đối với các loại lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch… còn lợn bình thường thì vẫn được buôn bán”, ông Minh nói.
Thông báo cấm bán thịt lợn của UBND xã Dân Lý ẢNH MINH HẢI
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Tỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Dân Lý, cho biết dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã này từ ngày 16.5. Đến hôm nay 24.5, dịch đã lây lan ra tất cả 8/8 thôn của xã, buộc phải tiêu hủy hơn 11,5 tấn lợn. Ông Tỉnh cũng xác nhận có việc xã ra thông báo cấm bán thịt lợn tại chợ Thiều, và đó là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
“Ngày 16.5, UBND xã có ra thông báo nghiêm cấm các hộ vận chuyển, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn xã và chợ Thiều ra vào địa bàn xã. Đối với các hộ giết mổ lợn và hộ kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16.5 cho đến khi công bố hết dịch. Chúng tôi ra văn bản này là thực hiện chỉ đạo của cấp trên”, ông Tỉnh nói.
Không chỉ xã Dân Lý, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Triệu Sơn cũng cấm bán thịt lợn tại các chợ ẢNH MINH HẢI
Trong khi đó, ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn, lại phủ nhận và cho rằng, huyện không chỉ đạo các xã cấm buôn bán thịt lợn tại các chợ.
“Huyện chỉ đạo các xã là cấm buôn bán, vận chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ lợn trái quy định. Nhưng có thể do các xã  hiểu không hết, không đúng nên cấm tiệt việc bán thịt lợn. Theo quy định thì dù là xã có dịch hay không có dịch, nếu lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn được xác định là âm tính với dịch tả lợn châu Phi, được giết mổ trong các cơ sở giết mổ đảm bảo quy định vẫn được buôn bán bình thường, nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân. Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo huyện có ý kiến chỉ đạo các xã đang cấm bán thịt lợn”, ông Lâm nói.
Việc cấm bán thịt lợn sai quy định đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ kinh doanh ẢNH MINH HẢI
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, cho biết theo văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ngày 20.3, thông báo Thủ tướng Chính phủ ngày 17.5, và chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa thì không cấm hoàn toàn việc buôn bán thịt lợn cả trong và ngoài vùng dịch.
"Việc buôn bán thịt lợn ở các chợ không cấm, nếu lợn được kiểm tra, giám sát của cơ quan thú y xác định là âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Thịt và các sản phẩm từ lợn trong vùng dịch vẫn được tiêu thụ khi các cơ sở giết mổ được cấp phép, đảm bảo vệ sinh thú y và có quy định rõ ràng về việc giết mổ, nên việc địa phương nào cấm hoàn toàn tiêu thụ thịt lợn là không đúng. Chúng tôi sẽ cử cán bộ lên làm việc và kiểm tra ngay sự việc này, nếu không đúng phải chấn chỉnh", ông Giang nói.
Ông Giang cũng cho biết thêm, cùng với công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cơ quan thú y cũng như các địa phương đang tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về bệnh dịch. Khuyến khích tiêu thụ lợn ở vùng không có dịch và vùng có dịch, khi lợn được kiểm soát, xác định là không bị nhiễm bệnh để tránh thiệt hại cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.