Thanh Niên 35 năm phát hành số đầu tiên: Tác nghiệp nơi tâm dịch

31/12/2020 05:08 GMT+7

39 ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội , căng mình chống dịch Covid-19 cũng là 39 ngày trải nghiệm nghề không thể nào quên của anh em phóng viên tại Văn phòng miền Trung của Báo Thanh Niên .

PV Lê Hoàng Sơn: 1 giờ bên trong ổ dịch

Khu phong tỏa lớn nhất, ổ dịch nguy hiểm nhất của Đà Nẵng là 3 bệnh viện (BV) lớn: BV C, BV Đà Nẵng, BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng cùng 8 tổ dân phố lân cận. Để ghi nhận việc đời sống, sinh hoạt của khoảng 1.500 con người sống xung quanh 3 BV là điều được nhiều phóng viên nghĩ tới. Nhưng làm sao để dám và được vào đó là điều không dễ dàng. Bởi vậy, sau nhiều nỗ lực, nhận thông tin từ ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND P.Thạch Thang: “Anh có đúng 1 giờ đồng hồ vào khu phong tỏa, không hơn không kém”, tôi mừng như bắt được vàng!
Từng đó thời gian trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng là những giây phút không thể nào quên của một người làm báo. Tôi đã kịp ghi nhận đời sống của người dân, những đổi thay trong suy nghĩ, nếp sống, sự hy sinh thầm lặng của những người chống dịch…

Đà Nẵng chuẩn bị "5K" đón học sinh đến trường sau “cơn bão” Covid-19

Khi chỉ còn 15 phút để vừa tác nghiệp vừa rời khỏi khu phong tỏa, tôi chợt nhớ ra khu trọ tại con hẻm 144 Hải Phòng - nơi tá túc của những bệnh nhân chạy thận, nhóm có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất. Đến trước con hẻm, nhiều người khuyên tôi không nên vào. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, đã đến được đây mà không vào nơi ở của những người yếm thế trong xã hội chắc chắn sẽ bỏ lỡ một câu chuyện xúc động… Cẩn thận xem lại bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, tôi kéo tấm kính chống giọt bắn xuống, một mình đi vào khu nhà trọ. Và câu chuyện về những con người chạy thận kinh niên, ở xóm trọ nghèo này là chất liệu chủ yếu trong bài phóng sự được đăng hôm sau.
Ai hỏi rằng liệu có lo lắng gì không, tôi trả lời thật lòng: Có. Nhưng ngọn lửa nghề trong lòng tôi đã thôi thúc. Và tôi tin chắc rằng, với phóng viên yêu nghề nào trong tình huống đó cũng sẽ hành động như vậy!

PV Lê Nguyễn An Dy: 3 giờ khó quên trong trang phục bảo hộ

Sau lực lượng chống dịch thì cánh phóng viên là những người tiếp cận sát nhất trong những ngày “phong thành” Đà Nẵng. Hằng ngày, chúng tôi và hàng triệu người dân... nín thở đếm số ca bệnh được cập nhật vào “Covid-19 map”.
Những bác sĩ ngày thường khoác blouse trắng thì giờ kín mít trong đồ bảo hộ, khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Họ gồng mình dưới cái nóng gần 40 độ C để vận chuyển hàng, nhu yếu phẩm phục vụ cả mấy ngàn con người trong BV. Nhiều nhân viên y tế bị lột từng lớp da tay do phải đeo nhiều lớp găng tay bảo hộ 24/7, rồi cả sốc nhiệt... Mãi cho đến khi phải trang bị bảo hộ để được vào tác nghiệp bên trong BV dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng, tôi mới thực sự hiểu hơn nỗi vất vả của lực lượng tuyến đầu.

Đại diện mỗi gia đình ở Đà Nẵng sẽ làm xét nghiệm Covid-19

3 giờ mặc đồ bảo hộ kín bưng với 2 lớp kính, 2 lớp găng tay, bọc chân, dưới nhiệt độ gần 40 độ C... để tác nghiệp, mồ hôi tôi ướt đẫm thấm xuyên qua những lớp quần áo. Khi lột lớp găng tay bảo hộ, nhìn da tay bong tróc từng lớp, tôi đã khóc. Khóc, không phải vì bản thân mình ngộp thở, mệt lả mà vì đang nghĩ về những chiến binh áo trắng. Tôi mới mặc chỉ 3 tiếng đồng hồ, họ lại âm thầm mặc bảo hộ chống dịch suốt nhiều tháng liền, cả ngày lẫn đêm, không ngơi nghỉ... Tôi có cả những người anh, người bạn phải mặc bảo hộ, 2 lớp kính chắn, xuyên suốt những cuộc phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tạo hình ở mức vi phẫu giữa lúc BV Đà Nẵng phong tỏa một tháng tròn. Nhắc lại để thấy họ đã âm thầm hy sinh cho cuộc chiến này ra sao...

PV Huy Đạt: gói mì tôm mùa dịch

Giữa những lo lắng, đôi chút hoảng sợ giữa những ngày Đà Nẵng “đóng cửa” cũng là lúc chúng tôi cảm nhận trọn vẹn nhất tình cảm “tiền tuyến - hậu phương”. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những hiểm nguy, lao vào cuộc chiến không tiếng súng…
“Có nhiều nơi vì sợ lây lan nên buộc phải đóng cửa cơ quan. Tuy nhiên, VPĐD miền Trung của Báo Thanh Niên sẽ luôn mở để các anh chị về, dù là về từ nơi nguy hiểm. Bây giờ toàn bộ quán xá đã đóng cửa, văn phòng đã chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, phở, xúc xích, lương khô, thịt hộp, cà phê, viên C sủi… để anh em dùng khi về cơ quan viết bài. Anh em say tác nghiệp nhưng phải nhớ: An toàn là trên hết!”, mệnh lệnh ngắn gọn trên group của trưởng văn phòng khiến anh em phóng viên tuyến đầu chúng tôi ấm lòng.
Kể từ đó, cơ quan trở thành “siêu thị dã chiến” phục vụ chúng tôi những ngày dịch. Bên cạnh đó, các phóng viên ở Đà Nẵng còn được Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng hỗ trợ cấp phát cơm hộp tại điểm tập trung. Cùng những lời động viên, thăm hỏi thường xuyên của cơ quan, đồng nghiệp và những hành động nhỏ mà ân cần tình nghĩa đó, chúng tôi mới có thể cân bằng tâm lý trong những ngày áp lực này để xông pha tuyến đầu, ghi nhận và cập nhật thông tin hằng giờ trên Thanh Niên.
Giờ đây, được thỏa thích la cà, ăn uống những món mình thích nhưng tôi vẫn nhớ mãi gói mì tôm tại “siêu thị dã chiến” 144 Bạch Đằng, những ngày tâm dịch Đà Nẵng đóng cửa các dịch vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.