Thêm gần 1.000 gia đình Bắc Ninh ồ ạt đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn

16/03/2019 14:12 GMT+7

Bất chấp mưa rét, trong sáng nay, 16.3, hàng trăm gia đình chen chân chờ đợi cho con được xét nghiệm sán lợn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư.

Phòng khám chuyên khoa của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Hà Nội) vốn thưa vắng nhưng trong sáng nay như một sân ga chật kín người lớn cho con đi xét nghiệm sán lợn.
Khu vực này ồn ào với tiếng trẻ em khóc, tiếng gọi hỏi làm thủ tục của các bố mẹ cùng với tiếng của các nhân viên y tế gọi loa lạc giọng…do bệnh nhân đổ dồn về quá tải. Những nhóm người lớn và trẻ nhỏ ngồi vạ vật ngay sàn nhà, chân cầu thang đông đúc, mệt nhọc.
“Hầu hết đều là các gia đình từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đưa con đến khám, xét nghiệm sán lợn. Đây là ngày thứ 2 có đông người đưa con em đến xét nghiệm sán lợn. Hôm nay còn đông hơn hôm qua”, các nhân viên trực chia sẻ và ai cũng cố gắng hoàn thành tối đa công việc giữa “vòng vây” của các gia đình.
Người lớn và trẻ em ngồi chờ khám và xét nghiệm sán lợn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư sáng 16.3 Ảnh Nam Sơn
Các cha mẹ căng thẳng âu lo. “Em và một mẹ cùng thuê chuyến xe đi từ nhà lúc 4 giờ sáng, đến đây lúc 6 giờ sáng lấy số đã 160. Có người đến sau, lúc 9 giờ đã số thứ tự gần 600. Hôm nay đống lắm, rất nhiều người trong xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh rủ nhau đi”, mẹ của bé gái 5 tuổi học ở Trường mầm non Mão Điền, kể.
Cùng đi với bà mẹ này là mẹ của bé trai 5 tuổi. Vừa cho con trai ăn miếng bánh cắn vội, chị vừa bày tỏ: “Chúng em lo lắm. Thấy các con ở xã Thanh Khương cùng huyện Thuận Thành học trường mầm non bị nhiễm sán lợn nghi do thực phẩm cung cấp không đảm bảo nên các gia đình ở xã Mão Điền cũng tự tổ chức đưa con em đi xét nghiệm. Vì chúng em nghe nói công ty cung cấp thịt lợn đó cung cấp thịt lợn cho tất cả 17 - 18 trường mầm non trong cả huyện Thuận Thành”.
Các bà mẹ cũng bức xúc: “Mấy người phản ánh về thịt lợn cung cấp cho trường mầm non ở huyện Thuận Thành nhiễm sán còn bị nhắn tin dọa đánh. Chúng em cũng phản ánh đến chính quyền rồi nhưng nhà trường và xã đều chưa bảo gì. Lo cho các con nên chúng em tự đưa đi”.
Chen chân chờ khám và xét nghiệm sán lợn cho con tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư sáng 16.3 Ảnh Nam Sơn
Một kỹ thuật viên trực tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho hay, trong sáng nay, ước tính đến khoảng 11 giờ 30 đã có hàng trăm mẫu máu được lấy, Viện đã tăng cường các lấy mẫu máu xét nghiệm. Kết quả chạy phải chờ trong vài giờ nên đến chiều nay sẽ có kết quả.
Một bác sĩ công tác tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho hay, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua viện này ghi nhận số lượng lớn người dẫn đến khám sán lợn như thế này.
Cha mẹ và trẻ nhỏ khá mệt mỏi chờ khám và xét nghiệm do quá đông các gia đình cùng đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Ảnh chụp tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư sáng 16.3 Ảnh Nam Sơn
TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, cho biết khi có kết quả xét nghiệm sán lợn chính xác, các bác sĩ sẽ khám, kê đơn, cho phác đồ điều trị cụ thể cho từng trẻ. Viện cũng sẽ xin ý kiến chỉ đạo để phối hợp các địa phương về điều tra dịch tễ tại địa phương.
Sáng cùng ngày, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư có thêm 400 trẻ ở huyện Thuận Thành được cha mẹ đưa đến xét nghiệm sán lợn. Các bác sĩ huy động tới 6 phòng khám để đáp ứng nhu cầu khám, xét nghiệm của các bé. Trong ngày hôm qua (15.3), bệnh viện này khám và xét nghiệm cho gần 200 trẻ. 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.
Đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng có thể mắc các thể bệnh ấu trùng sán lợn: người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn); quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông; người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi; quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn.
Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh sán dây lợn không phải là bệnh cấp tính, do đó các phụ huynh hết sức bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến các bệnh viện khám. Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần.
Các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn, kê thuốc điều trị. Nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch ký sinh trùng sán dây lợn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.