Thiên đường sản xuất mới của khu vực

Chí Hiếu
Chí Hiếu
29/12/2020 05:50 GMT+7

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc , 2020 là năm không chỉ thành công về kinh tế mà còn cả về tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, không chỉ trên khía cạnh kinh tế mà năm 2020 “phải được xem là năm thành công nhất trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách”.

Việt Nam thuộc tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Đi sâu vào những thành tựu kinh tế, không chỉ của năm 2020 mà còn của cả nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay trong 5 năm qua, chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỉ USD giá trị GDP.
Và theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế Việt Nam đã đạt hơn 340 tỉ USD - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Thương hiệu quốc gia của Việt Nam theo tính toán đã lên tới 319 tỉ USD để vươn lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
“Đây không phải là kết quả mới mà liên tục 4 năm qua. Thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng một cách vững chắc nhờ những nỗ lực về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á với những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP”, Thủ tướng nói.
Tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp nhà nước hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đặc biệt, theo Thủ tướng, tăng trưởng của đất nước nay đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, hải đảo; không chỉ của các địa phương truyền thống mà còn của nhiều địa phương mới nổi... “Tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là doanh nghiệp nhà nước hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý rằng Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Đó là tuổi thọ trung bình của người dân tăng; chỉ số Phát triển con người (HDI) đã được xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới; kinh tế phát triển nhanh nhưng tình trạng bất bình đẳng được kiểm soát tốt, cả bình đẳng về thu nhập lẫn bình đẳng giới; nhiều thành quả vô cùng ý nghĩa về giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao...

Chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh bất luận trong hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn, như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực... Chất lượng giáo dục, y tế nhìn chung còn nhiều bất cập. Thủ tướng cũng nhắc tới những vấn đề sát sườn với người dân như tai nạn giao thông, cờ bạc, ma túy, ô nhiễm môi trường...
Nhắc tới những thay đổi hiện nay trong bối cảnh thế giới và thời đại, Thủ tướng lưu ý: “Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực”.
“Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. Chúng ta không được chủ quan, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng cho biết các chỉ tiêu cho năm tới, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6% đã được cân đối, tính toán trên nhiều yếu tố. Và mặc dù xác định tình hình có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021.
Trong khuôn khổ ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã nghe Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Tiếp đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Trong khi đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giới thiệu dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Còn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Ngoài ra, hội nghị cũng đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sáng nay (29.12), hội nghị sẽ nghe thảo luận đến từ lãnh đạo các doanh nghiệp và phần trả lời kiến nghị của các bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo Chính phủ đối với những vấn đề mà lãnh đạo các địa phương nêu ra trong phiên thảo luận chiều qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.