Thổi giá thiết bị y tế: Bắt giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh

Thái Sơn
Thái Sơn
25/09/2020 19:39 GMT+7

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã có hành vi tiếp tay cho đối tượng bên ngoài để lừa đảo bệnh nhân .

Quá trình điều tra mở rộng tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và một số đơn vị liên quan, chiều 25.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai, cùng về tội danh nêu trên. 

Ông Nguyễn Quốc Anh (61 tuổi, quê H.Trực Ninh, tỉnh Nam Định), nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Ông Nguyễn Quốc Anh từng có 25 năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, từng kinh qua nhiều chức vụ, vị trí, từ bác sĩ trực tiếp điều trị rồi phó, trưởng khoa chuyên môn.  Từ tháng 8.2009 đến cuối năm 2019, ông Nguyễn Quốc Anh đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai với chức vụ Giám đốc, Phó bí thư Đảng ủy. 

Bị can Trịnh Thị Thuận

Ảnh Bộ Công an cung cấp

Trước đó, ngày 31.8, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam đối với bị can Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS); Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS và Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên của Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS), cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Các bị can này được xác định đã cấu kết với nhau để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, trong giai đoạn 2016 - 2017, Công ty BMS đã đưa hàng loạt máy móc, thiết bị y tế vào Bệnh viện Bạch Mai theo dạng liên doanh liên kết thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế. Tuy nhiên, hàng loạt thiết bị đã bị doanh nghiệp này, với sự hỗ trợ của nhiều phía, thổi cao gấp nhiều lần so với thực tế nhằm mục đích trục lợi.
Cụ thể, từ đầu năm 2017, Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khi đó ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty BMS về việc đặt máy robot Rosa (nhập khẩu của Pháp) tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não.
Các bên thống nhất, robot Rosa có tổng giá trị 39 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh liên kết tại Bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 - 2024). Hai bên thống nhất ăn chia 50 - 50 sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm…

Vụ thổi giá thiết bị nhiều tỉ đồng tại Bệnh viện Bạch Mai gây hậu quả nghiêm trọng

Ảnh Đình Trường

Tuy nhiên, theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được Công ty BMS nhập khẩu vào chỉ với giá gần 7,6 tỉ đồng. Cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, ước tính khoảng 10 tỉ đồng.
Với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Ước tính mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp bệnh nhân sử dụng thiết bị này, tính từ khi lắp đặt robot Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân bị móc túi với số tiền không nhỏ.
Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, đây chỉ là một trong rất nhiều thiết bị của Công ty BMS đặt tại Bệnh viện Bạch Mai. Doanh nghiệp này đã và đang có nhiều thiết bị khác liên doanh liên kết với nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP.Hà Nội.
Được biết, trước khi ký hợp đồng liên doanh, liên kết, Bệnh viện Bạch Mai đã thuê Công ty VFS thẩm định giá máy robot Rosa. Việc một chiếc máy giá thành chỉ 7,6 tỉ đồng nhưng biến thành gần 40 tỉ đồng còn có bàn tay giúp sức của nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan.
Cũng với tính chất tương tự trong việc thổi giá máy xét nghiệm realtime PCR để chống dịch Covid-19, hồi tháng 4, C03 đã xem xét trách nhiệm hình sự nhiều bên liên quan, trong đó có ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, và nhiều người thuộc các đơn vị cung ứng thiết bị và thẩm định giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.