Chiều 17.11, với 443/466 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án luật Bảo vệ môi trường sửa đổi gồm 16 chương và 171 điều.
Điểm đáng chú ý là luật vừa thông qua không quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM phải công khai báo cáo này. Tại khoản 2 điều 38 dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM chỉ có trách nhiệm "công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".
Luật này cũng chỉ quy định chủ dự án có trách nhiệm công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp.
Trước đó, nhiều chuyên gia, tổ chức đã có kiến nghị về vấn đề này vì cho rằng, đây là "bước thụt lùi" so với luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Theo luật Bảo vệ môi trường năm 2014, báo cáo ĐTM là thông tin môi trường phải công khai.
Tại buổi làm việc với các chuyên gia vào ngày 5.11, trước thời điểm Luật được thông qua, để tiếp thu các kiến nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã khẳng định, luật đã quy định doanh nghiệp, chủ đầu tư phải công khai (cho cơ quan quản lý nhà nước - PV) thì cơ quan quản lý nhà nước cũng công khai. Từ đó, Bộ trưởng Hà đề nghị quy định vào dự thảo là cơ quan quản lý nhà nước sẽ công khai báo cáo ĐMT.
UBND địa phương thẩm định đánh giá tác động môi trường
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT trình bày tại Quốc hội, trước khi biểu quyết thông qua dự Luật, cho hay sau khi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo lựa chọn của đa số đại biểu Quốc hội là giao cho UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của bộ, cơ quan ngang bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Luật cũng quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM.
Về tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan khi xây dựng báo cáo ĐTM, ông Dũng cho biết, dự thảo Luật đã quy định việc tham vấn được thực hiện bắt buộc thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử và thêm một hoặc các hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức họp lấy ý kiến.
Ông Dũng cũng cho biết, dự thảo Luật đã giao bộ trưởng Bộ TN-MT quy định định việc công khai danh sách hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM.
Đây cũng là điểm được nhiều chuyên gia kiến nghị vì cho rằng, cần phải công khai danh sách hội đồng thẩm định và quy định cụ thể trong luật. Về vấn đề này, tại buổi làm việc với chuyên gia, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc quy định về hội đồng thẩm định nên để ở nghị định dưới luật theo hướng gắn trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước.
Bình luận (0)