Thú chơi… phá rừng

08/02/2017 13:00 GMT+7

Do đồn thổi, nhiều người đã săn lùng, mua bán cây hương giáng ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), đe dọa sự đa dạng sinh học nơi đây.

Đồn thổi khiến giá tăng
Lời đồn rỉ tai nhau đã khiến hương giáng, loài cây vốn chỉ để làm củi, đồ gia dụng, cọc cầu thang... bất ngờ trở nên quý hiếm. Bắt đầu từ giữa năm 2016, tại Quảng Bình rộ lên những đồn thổi loài cây này tạo mùi hương, trừ được tà ma âm khí trong nhà cửa và phòng làm việc, nên nhiều người đổ xô săn lùng.
Khi được đồn thổi, giá trị của hương giáng cũng tăng vọt và thương vụ mua bán tính theo từng ký. Gỗ càng già, vân càng đẹp thì giá càng cao. Đặc biệt, với những cục nu (mắt vỏ cây) có hình thù giống con vật như rùa thì giá rất cao; tầm từ 10 triệu đồng lên đến vài chục triệu đồng. Chúng tôi thử dò hỏi một số thương lái gỗ trên địa bàn đều nhận được những lời giới thiệu "có cánh" về công dụng của hương giáng, như đặt trong phòng làm việc sẽ rất vượng, công việc suôn sẻ, thần tài gõ cửa. Dù được “đầu nậu” úp mở rằng hiện do nhu cầu lớn nên rất khan hiếm hàng, nhưng khi chúng tôi dọ ý mua thì lại bảo “muốn bao nhiêu cũng có, vấn đề là giá cả và chịu khó đợi để gom hàng”.
Tình trạng khai thác trái phép loài cây hương giáng diễn ra nhiều tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đặc biệt là địa bàn các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch (H.Bố Trạch). Trước tình hình đó, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia đã có công văn đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình triển khai các biện pháp nghiệp vụ để cùng phối hợp, ngăn chặn và xử lý tình trạng trên.
Ngăn chặn
Gần đây lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển, mua, bán trái phép hương giáng. Chiều 21.1, Trạm kiểm lâm Trường Xuân (Hạt Kiểm lâm H.Quảng Ninh) phát hiện chiếc ô tô bán tải BS 73C - 014.28 do Nguyễn Quý Phương (trú P.Hải Đình, TP.Đồng Hới) điều khiển chạy hướng từ rừng phòng hộ Long Đại ra chở theo 450 kg gỗ hương giáng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Trước đó, ngày 28.12.2016, Nguyễn Thái Thành (trú xã Sơn Thủy, H.Lệ Thủy) điều khiển xe khách BS 73L - 6726 chạy hướng bắc - nam trên đường Hồ Chí Minh, chở hơn 400 kg gỗ hương giáng trái phép, khi đến địa phận xã Xuân Ninh thì bị Đội Cảnh sát kinh tế Công an H.Quảng Ninh phát hiện.
Trong 2 ngày 8 và 9.12.2016, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện, xử lý 4 vụ vận chuyển trái phép cây hương giáng với tổng trọng lượng 424 kg. Những người vận chuyển sử dụng xe máy, ô tô, xe kéo ba gác và kể cả gùi vác từ trong rừng ra. Khi bị kiểm tra, đa số những người vận chuyển đều vứt tang vật bỏ chạy.
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, cho biết để ngăn chặn tình trạng khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản, tình trạng khai thác hương giáng trái pháp luật, nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã yêu cầu các Hạt kiểm lâm Bố Trạch, Quảng Ninh, Minh Hóa tổ chức kiểm tra, theo dõi, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm. Lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng được giao nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia trong công tác đấu tranh, phòng, chống các vi phạm pháp luật và tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
Điều khá nan giải là mặc dù thân và gốc có thể lấy gỗ nhưng hiện nay chưa có cơ sở để xác định loài theo danh pháp quốc tế và phân loại nhóm gỗ đối với cây hương giáng. Vì thế một số đơn vị lúng túng trong lập hồ sơ xử lý hành vi vi phạm. Theo công văn hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền xác định, công bố loài, nhóm và tên khoa học cây hương giáng, để đảm bảo thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh thì cách ghi tên gọi trong biên bản theo tiếng địa phương; khi xử lý thì lập hội đồng định giá để làm căn cứ.
Trước tình trạng săn lùng, mua bán trái phép hương giáng ở Quảng Bình, ngoài việc vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần sớm xóa bỏ những lời đồn thổi vô căn cứ về công dụng của loài cây này.
Từ mẫu vật và công dụng được người dân bản địa chứng thực, hương giáng là loài cây thân lớn có thể lấy gỗ, lá đơn, mọc cách; lõi gỗ màu đen, nhiều vân, mùi thơm nhẹ được dùng để làm đồ gia dụng. Phần gốc, rễ hương giáng có thể dùng làm đồ mỹ nghệ trang trí. Vỏ có màu vàng, nhiều u, sần.
Ở tỉnh Quảng Bình, hương giáng được tìm thấy tại khu vực núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng và vùng Đồng Hóa, Thạch Hóa (H.Tuyên Hóa). Theo cách gọi của người dân địa phương, loài cây này còn có tên hang giáng hoặc săng giáng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.