Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với 2 hiệp định mới là CPTPP và EVFTA mà Việt Nam tham gia thì thị trường về mua sắm Chính phủ, bảo hiểm, ngân hàng sẽ rất mở cửa và đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản vốn có lợi thế trong các ngành này để đưa Nhật Bản quay trở lại làm quốc gia đầu tư số 1 vào Việt Nam.
Sáng 28.6, trước khi tham gia vào các hoạt động chính của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka (Nhật Bản), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng một số bộ trưởng đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với 30 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng nhấn mạnh các yếu tố như xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh cùng các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh... là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Dẫn số liệu từ cơ quan xúc tiến đầu tư Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, trên 65% doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam báo có lãi và trên 70% các công ty có ý định mở rộng việc kinh doanh. Trong khi đó, theo cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản thì Việt Nam đang là thị trường đứng thứ 3 mà các doanh nghiệp nước này muốn đầu tư làm ăn.
“Chúng tôi mong doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư, đưa Nhật sớm trở lại quốc gia số 1 về đầu tư làm ăn tại Việt Nam, chứ không phải là số 2, số 3. Các bạn là những tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, có công nghệ tiên tiến. Chính phủ chúng tôi cam kết tạo mọi thuận lợi, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các bạn thành công khi làm ăn tại Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đồng thời cho biết Việt Nam đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thông tin, triển khai mạng 5G vào năm sau, đang hoàn thiện xây dựng cơ sỡ dữ liệu quốc gia, phấn đầu trở thành trung tâm an ninh mạng hàng đầu ASEAN và là quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn trên thế giới. Đây là thời cơ lớn để các công ty Nhật hợp tác.
Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định CPTPP và ngày 30.6 này sẽ ký Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) thì cơ hội mở cửa các thị trường như mua sắm Chính phủ, bảo hiểm, ngân hàng… càng lớn, sẽ thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn có lợi thế trong các ngành kể trên.
Doanh nghiệp Nhật lo ngại nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao khi đầu tư vào Việt Nam
Tại cuộc gặp gỡ, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận được khoảng 20 câu hỏi từ 12 đại diện các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản. Lãnh đạo Công ty Yamaha motor băn khoăn trước thông tin hạn chế xe máy ở các đô thị lớn tại Việt Nam và mong muốn được hợp tác trong chiến lược nội địa hoá động cơ điện.
Người đứng đầu Fuji và Tập đoàn Hitachi cùng bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin khi mở rộng làm ăn tại Việt Nam. Lãnh đạo Tập đoàn Daikin thì mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng điện, để đảm bảo nhu cầu điện tốt hơn khi công ty này đang lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy…
Về việc hạn chế xe máy tại các đô thị, Thủ tướng thừa nhận hạ tầng giao thông quá tải đi kèm với ô nhiễm khí thải đang là một vấn đề mà các đô thị lớn phải đối mặt, trong đó nguyên do chính là vì số lượng xe máy tăng nhanh. Theo Thủ tướng, chính quyền sẽ có những lộ trình, bước đi thích hợp trong vấn đề này và bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp, chuyên gia Nhật Bản để giải quyết bằng phương thức mới, cộng với các kinh nghiệm mà Nhật Bản đã trải qua và giải quyết thành công.
Với nội dung phát triển nguồn nhân lực, theo Thủ tướng, Việt Nam xác định nhân lực là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo phát triển xã hội nói chung và ngành công nghệ thông tin nói riêng.
“Chúng tôi đã có một chiến lược để hoàn thành mục tiêu đến năm 2005 sẽ có 1 triệu nhân sự số chất lượng cao. Việt Nam luôn cập nhật các tiêu chuẩn về nhân lực công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế và cũng mong muốn các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học của Nhật hỗ trợ xây dựng tài liệu giảng dạy, phòng thí nghiệm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với việc tham gia CPTPP và tới đây là EVFTA, Việt Nam mong muốn tiếp tục củng cố vai trò trong việc hình thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó, hy vọng các doanh nghiệp của Nhật sẽ tăng cường đầu tư, sớm đưa Nhật Bản trở lại là quốc gia đầu tư số 1 vào Việt Nam.
Bình luận (0)