Thủ tướng ra 'tối hậu thư' sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp

19/11/2019 06:12 GMT+7

“Cho đến năm 2020, các bộ, ngành và địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp và có phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra 'tối hậu thư'.

Ngày 18.11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12.3.2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17.12.2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, sau 5 năm thực Nghị quyết 30, đến ngày 30.6.2019, cả nước có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã chuyển sang hoạt động với mô hình mới, 27 công ty nông, lâm nghiệp chưa thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của Chính phủ. Cũng theo thống kê, sau khi sắp xếp, 256 công ty, nông lâm nghiệp này sẽ quản lý và sử dụng khoảng 1,8 triệu ha đất.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các công ty nông, lâm nghiệp đang nắm giữ số đất bằng 10% đất nông nghiệp của cả nước. Địa phương và các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NN-PTNT phải đánh thức và phát huy nguồn lực đất đai này.
Thủ tướng nhấn mạnh, theo Nghị quyết 30, đến năm 2015 phải hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp và có phương án sử dụng đất các lâm trường này nhưng đến nay vẫn còn 13 địa phương làm chưa xong, đây là khuyết điểm cần phải khắc phục trong thời gian tới. “Cho đến năm 2020, các bộ, ngành và địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp và có phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, đây là mục tiêu không thể chậm trễ hơn, nếu địa phương nào, ngành nào không làm xong thì nhận khuyết điểm trước Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cũng đặt yêu cầu, quá trình sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp phải đảm bảo 3 nguyên tắc: quản lý chặt chẽ nguồn lực đất đai; tài nguyên rừng và ưu tiên cho nguồn nhân lực tại chỗ. Cụ thể, tài nguyên và đất đai rừng được giao cho những chủ thể trực tiếp, nghiêm cấm phát canh thu tô hưởng lợi trung gian.
Đặc biệt, quá trình sắp xếp phải tạo ra việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiếu số gắn với giải quyết tốt chính sách tái định cư gắn với quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác sắp xếp phải tạo ra sức thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư hình thành các vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ gắn với công nghiệp chế biến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.