Thủy điện tiếp tục xả lũ, hàng ngàn hộ dân hạ du Quảng Nam bị cô lập
Các thủy điện tiếp tục xả lũ, kèm với mưa lớn kéo dài khiến hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ du Quảng Nam bị cô lập hoàn toàn.
Tự động phát
|
Dự kiến, trưa và chiều nay (trong điều kiện hồ Sông Bung 4 duy trì lưu lượng về hạ lưu là 209 m3/s; Đắk Mi4 997 m3/s), mực nước sông Vu Gia có thể lên mức 9,8 m, trên BĐ3 0,8 m; tại Câu Lâu lên mức 4,2 m, trên BĐ3 0,2 m; tại Hội An 2,4 m, trên BĐ3 0,4 m.
|
Các thủy điện tiếp tục xả lũ, khiến lũ lên nhanh gây ngập cục bộ một số huyện như H.Duy Xuyên, Đại Lộc, TP.Tam Kỳ TX.Điện Bàn… nhiều nơi bị ngập sâu từ 80 cm đến 1 m, nhiều đoạn ngập sâu từ 1,5 - 2m.
Đặc biệt, tại H.Đại Lộc, nước sông Vu Gia dâng nhanh khiến toàn huyện bị ngập sâu cục bộ, hàng ngàn ngôi bị ngập sâu trong nước. Nhiều xã của H.Đại Lộc bị chia cắt hoàn toàn, khiến hàng ngàn hộ dân bị cô lập và không thể lưu thông ra ngoài.
|
Lũ về bất ngờ, người dân chạy lũ trong đêm
Ghi nhận của PV Thanh Niên vào sáng 5.11, nhiều tuyến đường huyết mạch nối TX.Điện Bàn với H.Đại Lộc bị ngập sâu trên 1 m, giao thông bị ách tắc cục bộ nhiều nơi.
Nước lũ đổ về nhanh cũng khiến TT.Ái Nghãi (H.Đại Lộc) bị ngập sâu, nhiều cơ quan nhà nước, trường học, chợ, nhà dân… bị nước lũ tấn công, người dân phải dừng mọi hoạt động buôn bán để tránh lũ.
|
Bà Nguyễn Thị Bảy (63 tuổi, ở TT.Ái Nghĩa), cho biết nước lũ bắt đầu kéo về, tràn vào nhà dân vào khoảng 3 giờ hôm nay. Lũ lên nhanh đã khiến hàng ngàn ngôi nhà của người dân bị ngập sâu trong nước lũ.
“Do lũ về bất ngờ nên nhiều người dân phải dọn đồ chạy lũ trong đêm. Hiện tại TT.Ái Nghĩa mưa lũ chưa gây thiệt hại nhiều nhưng các xã của H.Đại Lộc thì bị ngập sâu. Hàng trăm ha rau ở làng rau bầu Tròn (xã Đại An), bị nước lũ nhấn chìm”, bà Bảy nói.
|
Cũng trong sáng nay, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam có công văn yêu cầu các thủy điện điều tiết giảm lũ vào đêm qua. Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 được lệnh vận hành giảm lũ với lưu lượng xả tràn và chạy máy thấp hơn 475 m3/s. Mực nước hồ lớn nhất cho phép là 222,5 m. Khi đạt mức nước hồ lớn nhất, thủy điện được phép xả qua tràn và chạy máy bằng lưu lượng nước về hồ.
|
Thủy điện Đăk Mi 4 được phép tích nước đến mực nước 258 m, xả nước qua chạy máy và xả tràn dưới 3000 m3/s (dự báo lưu lượng nước về hồ) và vận hành chạy máy, xả tràn bằng lưu lượng nước về hồ khi mực nước đạt 258 m. Mực nước lớn nhất cho phép ở thủy điện Sông Tranh 2 là 175m, lưu lượng nước về hồ dự báo từ 1450 m3/s - 2500 m3/s. Thủy điện này cũng buộc phải điều tiết giảm lũ bằng cách xả lũ thấp hơn lưu lượng nước về hồ, đến cao trình cho phép thì xả bằng lưu lượng nước về hồ.
|
Sạt lở chia cắt đường Hồ Chí Minh và nhiều khu vực huyện miền núi
Sáng 5.11, trung tá Trần Văn Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh), cho hay mưa lớn gây ra sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh với chiều dài trên 10 m, lấp một phần xe bán tải và cuốn trôi một xe đầu kéo đang lưu thông. Rất may cả hai vụ lở đất không gây ra thương vong nhưng giao thông hiện đang bị tắc nghẽn.
|
Vị trí sạt lở nằm trên đèo Lò Xo, thuộc đoạn giáp ranh giữa huyện Phước Sơn và huyện Đăk Glei của Kon Tum. Hiện, CSGT đã chốt chặn hai đầu vị trí sạt lở. Các phương tiện được yêu cầu quay đầu về hướng trung tâm huyện và các hàng quán bên đường chờ khắc phục sự cố.
Do mưa lớn kéo dài, nhiều huyện vùng cao Quảng Nam đã xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Theo đó, tuyến Quốc lộ 40B địa phận Nam Trà My có 11 điểm sạt lở, tổng khối lượng khoảng 790 m3 (chủ yếu khu vực TakPor đi các xã). Đường giao thông Trà Tập đi Trà Cang bị sạt lở 7 vị trí. Đường giao thông Trà Dơn đi Trà Leng sạt lở nhiều vị trí, hiện nay vào xã phải đi bộ
Tại H.Nam Bắc My, tuyến đường ĐH8 Trà Đốc đi Trà Bui bị sạt lở 03 điểm với khối lượng khoảng trên 1000 m3 đất đá, hiện tại giao thông trên tuyến bị chia cắt. Tuyến đường Nam Quảng Nam đoạn qua Tổ Minh Đông TT.Trà Trà bị sạt lở 02 điểm với khối lượng khoảng 150 m3 đất đá, hiện tại tuyến đường này bị tắt đường.
Hiện tại ngầm Sông Trường và ngầm Sông Oa mực nước qua ngầm 1,5 m so với mặt ngầm.
tin liên quan
TP.Quảng Ngãi chìm trong biển nước
Hàng trăm hộ dân bị cô lập
Do ảnh hưởng của bão số 12, từ đêm 3.11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn trên diện rộng kèm theo gió mạnh. Cùng với đó, thủy điện Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 xả lũ khiến nước lũ lên nhanh khiến một số nơi ở vùng hạ du bị ngập sâu và bị chia cắt nặng, phương tiện giao thông đi lại bị ách tắc, nhiều nhà dân bị tốc mái.
Ghi nhận của PV Thanh Niên vào ngày 4.11, nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Nam như H.Duy Xuyên, H.Đại Lộc, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, H.Nông Sơn, H.Bắc Trà My… nước lên nhanh, nhiều nơi bị ngập sâu trong nước. Mưa lớn kèm gió mạnh đã làm một số cây xanh trên địa bàn TP.Tam Kỳ bị ngã đổ, bật gốc.
Chiều 4.11, ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết vào lúc 10 giờ cùng ngày, một cơn lốc xoáy lớn làm 84 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Mưa gió cũng khiến 6 người bị thương, trong đó có 4 người nguy kịch.
Do nước lũ đổ về quá nhanh khiến cầu độc đạo nối thôn Đông Bình với các thông của xã Duy Vinh bị ngập sâu trong nước, việc lưu thông của hàng trăm hộ dân cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Văn Hải (36 tuổi, ở thôn Đông Bình) cho biết nước lũ dâng cao đã đã khiến chiếc cầu nối người dân Đông Bình lưu thông với bên ngoài, bị ngập sâu trên 50 cm. Nhiều đoạn nước dâng ngập sâu hơn 1m. Chiếc cầu bị ngập cũng đồng nghĩa với hơn 350 hộ dân thôn Đông Bình bị cô lập hoàn toàn. Cũng theo anh Hải, không chỉ thôn Đông Bình, bị cô lập mà nhiều thôn trên địa bàn xã Duy Vinh cũng bị ngập sâu trong nước. Người dân muốn đi lại phải dùng ghe. “Để đề phòng lũ về bất thường, tôi cũng đã thu gom đồ đạc cho lên chỗ cao, đồng thời đưa các con đi gửi nơi nhà ông bà ngoại ở xã khác. Sợ lũ về đột xuất là lại chạy không kịp nữa”, anh Hải nói.
|
Bình luận (0)