Tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 ARCT-154 công nghệ Mỹ

Liên Châu
Liên Châu
16/08/2021 06:12 GMT+7

Sáng 15.8, Trường đại học Y Hà Nội triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Covid-19 ARCT-154.

Tại lễ triển khai nghiên cứu, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết ARCT-154 là vắc xin thứ 3 trong chuỗi sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Bộ Y tế. ARCT-154 là vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA (tương tự công nghệ sản xuất vắc xin Pfizer và Moderna đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam). Đây là loại vắc xin có thể phòng chống được các biến thể nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma…
Theo Bộ Y tế, ARCT-154 là vắc xin dựa trên công nghệ mRNA của Công ty Arcturus (Mỹ). Tập đoàn Vingroup đã được chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus và xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin này tại Hòa Lạc (Hà Nội). Vắc xin ARCT-154 được Bộ Y tế phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam, trên người tình nguyện từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, TNLS giai đoạn 1 có 100 người tình nguyện tham gia; giai đoạn 2 có 300 người và giai đoạn 3 có 20.600 người.
GS-TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội, cho biết trường này là đơn vị triển khai TNLS giai đoạn 1 vắc xin ARCT-154 trên 100 tình nguyện viên 18 - 59 tuổi (75% người tham gia tiêm vắc xin ARCT-154 và 25% tiêm giả dược, 2 mũi tiêm cách nhau 28 ngày). Trong giai đoạn 1, nghiên cứu đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch sau tiêm. Việc tiêm cho 100 tình nguyện viên tiến hành trong 2 ngày 15 - 16.8. Nếu dữ liệu của TNLS giai đoạn 1 được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia đánh giá vắc xin ARCT-154 tính an toàn, khả năng dung nạp tốt, nhóm nghiên cứu sẽ xin phép cơ quan quản lý tiến hành sớm TNLS giai đoạn 2.

Việt Nam sẽ mua thêm gần 20 triệu liều vắc xin Pfizer

Ngày 15.8, Văn phòng Chính phủ đã công bố Nghị quyết số 90 của Chính phủ về việc mua bổ sung vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer. Theo đó, Chính phủ đồng ý để Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26, luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer (Mỹ), với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18.5.2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer. Nghị quyết giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 3.8.2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể.
GS Trần Văn Thuấn cho biết thêm phát triển vắc xin Covid-19 trong nước, bao gồm cả vắc xin chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế. Vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp với Tập đoàn Vingroup, các đơn vị TNLS (Trường đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP.HCM, Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng), các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, kiểm định vắc xin... thống nhất đề cương, hồ sơ nghiên cứu TNLS tại VN để thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước, nhằm chủ động sản xuất vắc xin phòng Covid-19 vào đầu năm 2022.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.