Tiền lương công chức, viên chức thay đổi ra sao sau 5 lần cải cách?

Tiền lương công chức, viên chức thay đổi ra sao sau 5 lần cải cách?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/07/2018 16:11 GMT+7

Theo tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 do Ban Tuyên giáo T.Ư phát hành, từ năm 1960 tới nay, chính sách tiền lương của Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách.

Việc triển khai Nghị quyết T.Ư 7 về cải cách chính sách tiền lương vừa thông qua là lần thứ 5 thay đổi chính sách tiền lương.
Cải cách tiền lương năm 1960
Ngày 5.7.1960, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 25/CP quy định chế độ lượng thuộc khu vực hành chính sự nghiệp. Theo đó, chế độ lượng của cán bộ, viên chức công tác ở các cơ quan hành chính sự nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc: mức lượng của cán bộ lãnh đạo nói chung cao hơn mức lương của cán bộ, nhân viên bị lãnh đạo; mức lương có chức vụ yêu cầu cao về kỹ thuật, nghiệp vụ cao hơn mức lượng của chức vụ mà kỹ thuật, nghiệp vụ đơn giản hơn; mức lương của lao động trong điều kiện khó khăn, hại sức khỏe cao hơn mức lương của lao động trong điều kiện bình thường; cán bộ, viên chức đang làm chức vụ gì thì xếp lương theo chức vụ ấy, khi chức vụ thay đổi thì bậc lương cũng thay đổi theo.
Cũng theo Nghị định này, mức lương tối thiểu là 27,3 đồng. Bảng lương chức vụ được thiết kế theo quan hệ tiền tương tối thiểu - trung bình - tối đa là 1 - 2,56 - 7,03.
Cụ thể, nhân viên phục vụ bậc 1 có mức lương 27,3 đồng, kỹ sư công nghiệp nhẹ bậc 1 có mức lương 70 đồng, những người giữ chức vụ tương đương bộ trưởng có mức lương 192 đồng.
Cải cách chính sách tiền lương năm 1985
Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 8 (6.1985) và Nghị định số 235/HĐBT ngày 18.9.1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang đã dẫn đến một cuộc cải cách lớn về giá - lương - tiền.
Nghị định số 235 quy định thang, bảng lương đối với công nhân, nhân viên, cán bộ quản lý xí nghiệp, công ty và bảng lương chức vụ đối với cán bộ, viên chức trong các tổ chức sự nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Nguyên tắc hưởng lương là làm công việc gì, chức vụ gì thì hưởng lương theo công việc ấy, chức vụ ấy, khi thay đổi công việc, thay đổi chức vụ thì hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới, không bảo lưu mức lương cũ. Chỉ trừ trường hợp cán bộ cấp trên được cử về tăng cường cho cấp dưới mới giữ nguyên lương.
Thay đổi chính sách tiền lương qua 4 lần cải cách Ảnh Lê Hiệp

Mức lương tối thiểu là 220 đồng/tháng tương ứng với vùng có giá sinh hoạt thấp nhất. Mức lương tối thiểu là cơ sở để định các mức lương cấp bậc hoặc lương chức vụ. Bảng lương chức vụ được thiết kế theo quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa là 1 - 1,32 - 3,5.
Theo đó, nhân viên phục vụ bậc 1 có mức lương là 220 đồng, kỹ sư bậc 1 có mức lương 290 đồng, những người giữ chức vụ tương đương bộ trưởng có mức lương là 770 đồng.
Cải cách chính sách tiền lương năm 1993
Cải cách chính sách tiền lương năm 1993 đặt nền móng cho sự hình thành tiền lương, trên cơ sở có quan hệ thuê mướn lao động, tạo sự cạnh tranh giữa những người lao động và điều kiện cho sự phát triển thị trường lao động; tách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp.
Mức lương tối thiểu năm 1993 là 120.000 đồng/tháng làm căn cứ để tính các mức lương khác của hệ thống bảng lưởng, mức phụ cấp lương và trả công đối với người làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Hệ thống bảng lương (lương chức vụ đối với cán bộ bầu cử và lương chuyên môn cộng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ do bổ nhiệm) được ban hành quy định bằng hệ số nhân với mức lương tối thiểu được thiết kế theo quan hệ tiền lương 1 - 1,78 - 8,5.
Khi mới ban hành, có 8 chế độ phụ cấp lương, gồm: phụ cấp khu vực, phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp thu hút; phụ cấp đắt đỏ; phụ cấp lưu động; phụ cấp thâm niên; phụ cấp phục vụ quốc phòng an ninh.
Sau đó bổ sung thêm nhiều loại phụ cấp ngành, nghề như phụ cấp đặc biệt; phụ cấp ưu đãi giáo viên đứng lớp; phụ cấp phẫu thuật; phụ cấp chống dịch; phụ cấp thường trực chuyên môn y tế; chế độ bồi dưỡng phiên tòa; kiểm lâm…
Cải cách chính sách tiền lương năm 2003
Chế độ tiền lương hiện hành được hoàn thiện trên cơ sở kế thừa chế độ tiền lương năm 1993 được thực hiện bắt đầu từ năm 2003.
Hệ thống bảng lương ban hành từ tháng 10.2004 tiếp tục được quy định bằng hệ số nhân với mức tiền lương tối thiểu được thiết kế theo quan hệ tiền lương 1 - 2,34 - 10.
Mức lương tối thiểu từ năm 2004 tới nay Ảnh Lê Hiệp
Mức lương tối thiểu được quy định vào tháng 10.2004 là 290.000 đồng/tháng. Từ năm 2009 thì có thêm quy định mức lương tối thiểu vùng dựa trên mức lương tối thiểu chung dành riêng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, đến năm 2011 thì tách thành 2 quy định riêng. Bắt đầu từ năm 2013, tiền lương tối thiểu để tính lương cho công chức, viên chức khu vực công được đổi thành mức lương cơ sở như cách gọi hiện nay.
Hai phương án chính sách tiền lương mới
Tại Hội nghị T.Ư 7 vừa qua, ban soạn thảo Đề án Cải cách chính sách tiền lương đề xuất 2 phương án về quan hệ tiền lương áp dụng từ năm 2021:
Phương án 1 là mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 như hiện nay lên 1 - 2,68 - 12. Theo phương án này, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới (tương ứng với hệ số 1,86, trình độ trung cấp, trong bảng lương hiện hành) là 4,14 triệu đồng.
Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng với hệ số 2,34 trong bảng lương hiện hành) là 5,96 triệu đồng. Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 trong bảng lương hiện hành, tương đương chức danh bộ trưởng) là 26,7 triệu đồng, tăng 33,5% so với năm 2020.
Phương án 2 là mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 như hiện nay lên 1 - 3 - 15. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới vẫn là 4,14 triệu đồng. Mức lương của chuyên viên bậc 1 sẽ tăng lên 6,68 triệu đồng. Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 là 33,4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương mới cũng rút gọn hệ thống bảng lương từ 11 bảng lương (thực hiện từ năm 2004) xuống chỉ còn 5 bảng lương (gồm: 2 bảng lương cho công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang). Hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương mới sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành để đảm bảo tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương, trong đó, có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%, hoặc không có phụ cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.