Tiến sĩ Hàn Quốc mê côn trùng xứ ngàn hoa

08/02/2021 06:08 GMT+7

Đam mê các loài côn trùng, tiến sĩ Lee Hyun-suk đến Việt Nam rồi bén duyên với xứ ngàn hoa Đà Lạt, lập một bảo tàng côn trùng với hàng ngàn tiêu bản độc đáo.

Hơn 10 năm trước, sau khi học xong tiến sĩ, Lee Hyun-suk (43 tuổi) rời Hàn Quốc để đi làm nghiên cứu và vô tình đến với Đà Lạt (Lâm Đồng). Tại vùng đất này, tiến sĩ Lee gặp PGS-TS Nguyễn Văn Kết (nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt) và được gợi ý về nghiên cứu côn trùng ở Đà Lạt. “Nghe gợi ý trúng niềm đam mê, tôi đi tìm hiểu và nhận thấy Đà Lạt có tính đa dạng về côn trùng cao, nhưng chưa có ai nghiên cứu về vấn đề này. Tôi nhận thấy đây là hướng nghiên cứu tốt nên đã chọn”, ông trải lòng. Đến năm 2014, khi dự án của tiến sĩ Lee được Viện Tài nguyên sinh vật quốc gia Hàn Quốc (thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc) tài trợ, ông bắt đầu nghiên cứu chuyên nghiệp về đa dạng côn trùng và chọn Trường đại học Đà Lạt để thực hiện nghiên cứu.
Suốt 6 năm qua, một mình tiến sĩ Lee cặm cụi thực hiện niềm đam mê với côn trùng. Ông lang thang vào các khu rừng ở Bidoup Núi Bà, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam để tìm, sưu tập mẫu mang về xử lý mẫu vật và làm tiêu bản trưng bày, bảo quản. Đến nay, trong một căn phòng rộng khoảng 120 m2 tại Trường đại học Đà Lạt, tiến sĩ Lee đã lập nên một bảo tàng côn trùng, trưng bày hơn 2.000 tiêu bản, trong đó có 185 mẫu là các côn trùng mới phát hiện ở Việt Nam và 15 mẫu là côn trùng mới trên thế giới.
Tiến sĩ Hàn Quốc mê côn trùng xứ ngàn hoa1

Tiến sĩ Lee Hyun-suk giới thiệu các tiêu bản côn trùng trưng bày ở bảo tàng

“Việt Nam nằm trong khu vực khởi nguồn của các loài côn trùng trên thế giới. Chính vì vậy, nghiên cứu về các loài này giúp chúng ta biết được quá trình hình thành và phát triển của chúng, cũng như có thể dự đoán được loài nào sẽ xuất hiện trong tương lai. Điều này rất có lợi, giúp ích trong phát triển nông nghiệp, sinh học rất nhiều. Khi nghiên cứu, hiểu rõ về đặc tính của loài sẽ giúp chúng ta biết được đâu là lợi, đâu là hại để biết ứng dụng phục vụ cho sản xuất”, tiến sĩ Lee chia sẻ.
Cũng theo ông, khi lập bảo tàng côn trùng này, ngoài việc phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, ông còn mong xây dựng một mô hình bộ mẫu để khi nói đến, các nhà khoa học ở Việt Nam và thế giới có thể tìm tới nghiên cứu, khai thác các giá trị khoa học; đồng thời mong muốn giới thiệu đến công chúng, người dân Đà Lạt sự đa dạng sinh học của địa phương mình. “Quan trọng hơn, qua bảo tàng này, tôi mong muốn truyền được thông điệp đến với mọi người là hãy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo tồn các loài côn trùng, không để chúng bị tuyệt chủng”, tiến sĩ Lee thổ lộ.
Tiến sĩ Lê Minh Chiến, Hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt, cho biết tiến sĩ Lee Hyun-suk là một người làm khoa học rất mẫu mực, chỉn chu, rất nhiều tiêu bản côn trùng ở bảo tàng đều có lý lịch khoa học, phân tích ADN rõ ràng, phục vụ tốt cho việc học tập và nghiên cứu. “Trên cơ sở bảo tàng này, sắp đến nhà trường mở rộng, hình thành bảo tàng lớn hơn về tài nguyên thiên nhiên, thực vật và côn trùng, đồng thời sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu ở Tây nguyên tại nhà trường”, ông Chiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.