Nhấn mạnh tại cuộc đối thoại với công nhân kỹ thuật cao sáng 5.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý phát triển đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ mà phải dựa vào lao động kỹ thuật cao, trình độ khoa học kỹ thuật...
Buổi đối thoại do Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức tại TP.HCM. Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, các bộ trưởng KH-ĐT, GD-ĐT, LĐ-TB-XH, KH-CN...
Phát biểu mở đầu chương trình, Thủ tướng nhấn mạnh cuộc gặp này có ý nghĩa rất quan trọng và mong muốn công nhân (CN) thẳng thắn phát biểu ý kiến để lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành lắng nghe, hình thành nên cơ chế, phát triển lao động kỹ thuật cao cho đất nước. “Bởi vì chúng ta phát triển đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ mà phải dựa vào lao động kỹ thuật cao, trình độ khoa học kỹ thuật”, Thủ tướng nói.
|
Đào tạo quá xa rời thực tiễn
Phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan (Tập đoàn dầu khí VN), nêu ý kiến hiện có tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN) do việc đào tạo trong trường nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Đáng chú ý, ông Quang đề nghị không nên để những người có chuyên môn giỏi sau 30 tuổi trở thành cán bộ vì “sẽ rất uổng”. “Những người chuyên môn giỏi nên cố gắng đầu tư thêm để trở thành kỹ sư, nhà khoa học, qua đó đất nước có những công trình hữu ích áp dụng vào cuộc sống”, ông Quang nói.
|
Ông Đinh Đăng Đoàn, Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (TP.HCM), cho hay hiện ở một số bộ phận dù trình độ trong nước đáp ứng được nhưng nhiều DN vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài với mức lương rất cao. Một trong những nguyên nhân là trong nước chưa đào tạo phù hợp. Ông Đoàn đề nghị các trường cần đào tạo ngành sát với thực tế, các ngành mới phù hợp với nhu cầu DN.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE, cho hay công ty thường tuyển người ở các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật, các trường nghề. Tuy nhiên, nhân sự tuyển về không thể bắt tay vào làm việc được ngay, kể cả kỹ sư. "REE thường mất thời gian huấn luyện 1 năm đối với người giỏi, 2 năm đối với người trình độ kỹ thuật yếu", bà Thanh cho biết và kiến nghị nhà nước cần mở thêm nhiều trường đào tạo nghề, những DN như REE sẽ hỗ trợ để đào tạo thêm nhiều CN, lao động giỏi tay nghề.
Thay đổi tình trạng “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định việc thay đổi tình trạng “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” là vấn đề lớn mà bộ này và các bộ ngành liên quan đang tập trung thực hiện. Để xây dựng lực lượng lao động cạnh tranh với lao động quốc tế, Bộ LĐ-TB-XH nhập 34 bộ giáo trình quốc tế đào tạo các môn học. Hiện đã có trên 3.000 sinh viên và người lao động học. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục phối hợp với 9 quốc gia để liên thông công nhận bằng cấp của nhau. Sắp tới đây, bộ luật Lao động sẽ có quy định bắt buộc DN để CN có nhu cầu đi học được tham gia học tập.
|
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, để kinh tế phát triển cần phải tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Về phía nhà nước, bên cạnh việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn thì quan trọng là phải có chính sách thực sự thiết thực để các DN chủ động đầu tư làm chủ khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực…
“Hôm nay nghe các CN kiến nghị, tôi ấn tượng là thấy các bạn rất lo xa cho xã hội. Trong số kiến nghị có rất ít liên quan tới cuộc sống hằng ngày của các bạn mà là lo cho tương lai của DN, lo cho tương lai của đất nước. Các bạn là những tấm gương để thấy rằng giá trị của con người không chỉ nằm ở bằng cấp, mà còn ở việc trực tiếp sáng tạo, làm ra những sản phẩm cho xã hội…”, ông Đam nói.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định CN kỹ thuật cao là lực lượng lao động có nhu cầu rất lớn và không lo bị robot thay thế. Tuy vậy, cả nước mới chỉ có chưa đầy 19% CN kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Theo Thủ tướng, sự cạnh tranh của DN và toàn bộ nền kinh tế trong nước còn hạn chế một phần do thiếu hụt nghiêm trọng CN kỹ thuật cao.
|
Thủ tướng khẳng định, việc cần làm của Chính phủ là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhất là tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ CN thực hành giỏi, tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu chuyên sâu. Mục tiêu là biến VN thành quốc gia khởi nghiệp, năng động, sáng tạo và tạo sự tin cậy của các tập đoàn lớn, công nghệ cao cũng như đáp ứng nhu cầu DN trong nước.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương, chủ DN quan tâm đến bốn vấn đề thiết yếu của CN: lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu tối thiểu; nhà ở xã hội cho CN; môi trường làm việc, học tập cho CN; chỗ học tập, vui chơi cho con em CN.
“Một vấn đề nữa mà nhiều lần tôi đề cập. Đó là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. CN VN phải tự học, tự rèn, học nữa học mãi, học suốt đời. Tôi đề nghị công đoàn VN phát động về vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định CN cần có hoài bão, khát vọng thay đổi cuộc sống. CN cần vượt qua những thói quen làm lãng phí thời gian như việc “lướt web, chơi game, uống cà phê kéo dài”, tránh xa tệ nạn xã hội. Cần dành thời gian rỗi cho việc đọc sách, trau dồi kiến thức, kỹ năng.
Thủ tướng cho hay từ buổi gặp gỡ này, Chính phủ và bộ ngành sẽ thiết kế một số chính sách, có biện pháp cần thiết để số lượng CN kỹ thuật cao tăng lên, chất lượng tốt hơn.
Công nhân kiến nghị 43 nội dung
Thay mặt CN, lao động kỹ thuật cao, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Bùi Văn Cường gửi tới Thủ tướng bản đề xuất kiến nghị gồm 43 nội dung chia làm 7 nhóm vấn đề về thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, lương, điều kiện làm việc, chất lượng cuộc sống, chất lượng đào tạo… Sau khi tiếp nhận, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phân loại, có văn bản chỉ đạo các cơ quan có liên quan, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, từng địa phương để có những quyết sách trả lời cho Tổng liên đoàn Lao động VN.
|
Bình luận (0)