Tiếp tục xây dựng bộ máy đồng lòng phục vụ nhân dân

Phiên chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp này khá đặc biệt, bởi thời gian kéo dài 2 giờ 45 phút là chưa từng có trong các nhiệm kỳ trước đó.

13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội có khả năng đạt và vượt khi khép lại năm 2017, song tại phiên chất vấn kéo dài 2 giờ 45 phút chiều 18.11, Thủ tướng vẫn trăn trở và trải lòng với ít nhất 4 mối lo ngại lớn là nạn tham nhũng, sự suy thoái đạo đức cán bộ, âm mưu diễn biến hòa bình, và làm sao để không tụt hậu kinh tế.
Phiên chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp này khá đặc biệt, bởi thời gian kéo dài 2 giờ 45 phút là chưa từng có trong các nhiệm kỳ trước đó. Các đại biểu (ĐB) ghi nhận thành tích điều hành của Chính phủ, những dấu ấn như GDP tăng 6,7%, xuất khẩu kỷ lục, dự trữ ngoại hối 46 tỉ USD... Ghi nhận thành quả của chặng đường đó, các ĐB cũng thẳng thắn nêu những băn khoăn, lo lắng.
Doanh nghiệp tư nhân hãy nói không với hối lộ
Những cán bộ nào làm thủ tục cho dân mà nhũng nhiễu, kéo dài sẽ bị thay thế ngay 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết Đảng và Nhà nước luôn coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế, đã có nhiều chính sách để phát triển lực lượng này song cần đi vào thực tế hơn nữa. “Xin Thủ tướng cho biết những giải pháp hiệu quả, đột phá để phát triển khối kinh tế này”, ĐB Tám nói.
Về giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho biết trong đầu tư kinh doanh điều cần thiết nhất là phải ổn định kinh tế vĩ mô, công khai minh bạch, quyền tự do kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư chính đáng. “Chúng ta vui mừng vì đã thành lập mới 125.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân… Nhưng tôi đề nghị DN tư nhân nói không với hối lộ, chi phí không chính thức. Các cấp chính quyền cần tạo ra không gian cho kinh tế tư nhân phát triển”, Thủ tướng yêu cầu.
Đối với vấn đề mức độ độc lập tự chủ của kinh tế VN trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, Thủ tướng nhấn mạnh trong hội nhập sâu rộng thì tự chủ về kinh tế rất cần thiết trong nhận thức lẫn hành động. “Kinh tế tự chủ là có cơ cấu hợp lý. Nền kinh tế phải bền vững, an toàn, có năng lực cạnh tranh, trước hết là về công nghệ. Đặc biệt là phải giải quyết được các cân đối lớn như tích lũy, thu chi ngân sách, xuất và nhập khẩu”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó là khả năng thích ứng trước biến động quốc tế. Không quá phụ thuộc một thị trường. Phải đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Thủ tướng khẳng định độc lập tự chủ kinh tế ngày một được tăng cường, tốt hơn. Người VN ngày càng ưa thích hàng VN, không chỉ rau củ quả mà hàng gia dụng cũng không kém. Niềm tin vào thị trường VN ngày một lớn.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Vì thế, việc phân phối của cải xã hội hợp lý là chủ trương ưu tiên và làm liên tục.
Trả lời chất vấn của ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) về thực trạng DN FDI hiện nay, Thủ tướng chỉ rõ bên cạnh những tiến bộ, FDI còn một số tồn tại phải xử lý. Đó là công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường trong một số DN FDI. Thủ tướng khẳng định quan điểm là “chúng ta phải xử lý nghiêm”. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn hướng tới tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đảm bảo các yếu tố bình đẳng, công bằng, minh bạch hướng tới kinh tế số.
Trước băn khoăn của ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) liệu có tình trạng bỏ giấy phép con sẽ xuất hiện một giấy phép con khác tinh vi hơn, Thủ tướng giải đáp, Chính phủ sắp ban hành một nghị định riêng về việc kiểm soát bãi bỏ thủ tục kinh doanh, để ngăn chặn tình trạng bãi bỏ điều kiện này lại ban hành điều kiện kinh doanh khác.
Trả lời ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về đầu tư cho văn hóa và cơ hội lớn trong hội nhập của VN sau thành công của APEC 2017, Thủ tướng cho biết T.Ư đã có những chủ trương, chính sách quan trọng như Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo hội nhập quốc tế, Nghị quyết 33-NQ/TW 2014 về xây dựng phát triển văn hóa con người VN.
Về vấn đề phát triển văn hóa trong hội nhập quốc tế, Thủ tướng cho rằng chúng ta triển khai tốt Nghị quyết 33 của T.Ư thì sẽ làm tốt trong hội nhập. “Kinh tế, du lịch là mũi nhọn phát triển, đồng thời phải gắn văn hóa với kinh tế, du lịch trong chính sách phát triển. Đây là yêu cầu rất lớn, trong đó cần phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa VN. APEC vừa qua, các quan khách và bạn bè quốc tế cũng rất ấn tượng với văn hóa VN”, Thủ tướng cho biết.
Phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Ảnh: Ngọc Thắng
Không để trên nóng, dưới lạnh, quan liêu, nhũng nhiễu
Tổng kết lại 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các vấn đề được đặt ra là những vấn đề bức xúc được xã hội quan tâm. Không khí chất vấn dân chủ, xây dựng. ĐB chất vấn ngắn gọn, bám sát vấn đề, tích cực tham gia tranh luận. Thủ tướng và các thành viên nắm chắc nhiệm vụ, trả lời nghiêm túc, giải trình đầy đủ. Mặc dù đã dành đến 3 ngày để chất vấn nhưng còn nhiều ĐB chưa được trả lời, phải gửi câu hỏi.
Chọn một góc nhìn riêng, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi: “Nhìn lại chặng đường năm 2017, Thủ tướng có hài lòng với điều hành kinh tế xã hội không? Xin Thủ tướng cho biết nỗi lo lớn nhất của mình là gì, tại sao chúng ta lại chưa thể phát triển đột phá so với tiềm năng?”.
“Thẳng thắn mà nói thì chưa hài lòng với điều hành kinh tế, phải trách nhiệm hơn nữa để đạt kết quả tốt hơn”, Thủ tướng đáp lại câu hỏi mà ông nói vui là “rất cắc cớ”. Theo Thủ tướng, 2017 là năm đầu tiên đạt được 13 chỉ tiêu, kết quả này rất đáng phấn khởi, nhưng một nền kinh tế quy mô còn nhỏ, thiên tai lũ lụt liên tục xảy ra, ở mức nào đó còn lạc hậu, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
ĐB Lê Thanh Vân cũng hỏi Thủ tướng lo ngại điều gì, Thủ tướng nói: “Đó là tụt hậu, diễn biến hòa bình, tham nhũng và gần đây là suy thoái tư tưởng đạo đức của đảng viên, cán bộ. Trên nóng dưới lạnh, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, xa dân, quan liêu. Tất nhiên không phải tất cả nhưng cũng rất báo động”. Thủ tướng cũng cho rằng cần phải tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân, để bộ máy đồng lòng phục vụ nhân dân, lấy lại niềm tin nơi người dân.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chất vấn, trên thực tế còn một bộ phận người dân, DN rất kêu vì bị chậm giải quyết, có nhũng nhiễu, lót tay mà người trong cuộc không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng. “Thủ tướng vừa nói xử triệt để hối lộ và thay cán bộ nhũng nhiễu dân, vậy có giải pháp nào triệt để khắc phục”, ĐB hỏi. Đáp lại, theo Thủ tướng có 4 nguyên nhân: trình độ, trách nhiệm, sợ mất chức mất quyền, an toàn nên không dám quyết; mọi việc biết hết nhưng vì tham nhũng nên không xử lý. “Những cán bộ nào làm thủ tục cho dân mà nhũng nhiễu, kéo dài sẽ bị thay thế ngay”, Thủ tướng khẳng định.
ĐB Nguyễn Văn Hiểu (Lâm Đồng) cho rằng phân cấp trong bộ máy, xác định trách nhiệm tập thể cá nhân vẫn còn nhiều vấn đề, sính bằng cấp. “Làm sao để tuyển được người tài và thay đổi nhận thức về câu chuyện bằng cấp”, ĐB Hiểu đặt vấn đề.
Thủ tướng thẳng thắn cho rằng để xử lý ôm việc bên trên, ngại việc bên dưới thì cần phải trách nhiệm rõ hơn. Giải pháp đột phá nữa là xử lý nghiêm cá nhân đứng đầu phải kịp thời hơn. Đối với tình trạng sính bằng cấp, theo Thủ tướng đây là quá trình nhận thức trong hệ thống. “Chúng ta phải tính toán lại, người thực việc thực, giữa tư duy và hành động cần thiết, bằng cấp chỉ là một tiêu chuẩn, không phải tất cả”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng thừa nhận còn tình trạng lạm dụng xã hội hóa, ví dụ thu phí trẻ em cao, vừa sinh phải đóng phí rất vô lý. Cho nên các bộ, ngành phải có cơ chế minh bạch công khai. “Không để xã hội hóa đè gánh nặng lên vai người dân”, Thủ tướng lưu ý.
Đường rộng cũng ăn mà đường hẹp cũng ăn !
Liên quan đến vấn đề tham nhũng, ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nêu tham nhũng là vấn đề phổ biến, thời gian vừa qua dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư đã đạt nhiều kết quả chống tham nhũng tích cực. Nhưng đó là ở trên, ở dưới biến động không nhiều, hoạt động kín đáo hơn, trong khi phần dưới mới là phần sát dân, gây rất nhiều bức xúc, nhũng nhiễu cho dân. “Các cụ nói “quan tham lại phải nhũng”, xin Thủ tướng cho biết giải pháp đột phá nào để giải quyết ?”, ĐB Thích Thanh Quyết chất vấn.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng lo nạn tham nhũng vặt làm khó người dân, DN vẫn phổ biến. “Đường rộng họ cũng ăn mà làm đường hẹp cũng ăn. Nhà cao tầng cũng ăn mà cắt ngọn cũng ăn. Họ vận dụng một cách hợp lý để ăn”, ông Trí bức xúc và muốn Thủ tướng cho biết biện pháp để ngăn chặn vấn nạn này, tránh tình trạng chủ trương đường lối thì tốt nhưng xuống dưới thì lạnh.
Thủ tướng cho rằng Đảng coi nhiệm vụ này là quan trọng, chính vì vậy Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư chỉ đạo. Vừa qua làm được nhiều việc, xử lý nghiêm, Chính phủ đang tiếp thu để hoàn chỉnh luật Phòng chống tham nhũng.
BOT vỡ quy hoạch, ồ ạt, nhiều sai phạm
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi: “Thủ tướng đánh giá như thế nào về các dự án BOT. Giải pháp gì để chấn chỉnh, đảm bảo hiệu quả, tránh bức xúc cho người dân?”. Thủ tướng cho biết vai trò và tầm quan trọng của xã hội nguồn lực trong đầu tư hạ tầng đã được Nghị quyết T.Ư khóa 13 khẳng định. Thời gian qua, VN đã có bước phát triển tốt vượt bậc, đặc biệt lĩnh vực giao thông, huy động xã hội hóa BOT 200.000 tỉ đồng. Nhưng Thủ tướng cũng thừa nhận qua giám sát tối cao của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã nêu: Triển khai BOT còn nhiều bất cập, quy hoạch chưa làm tốt, triển khai ồ ạt, có những tuyến đường gây dư luận bất bình, bức xúc, số trạm, giá phí chưa hợp lý…
“Cơ chế, chính sách về BOT còn nhiều bất cập, đặc biệt thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm xảy ra”, Thủ tướng khẳng định. Trong thời gian tới, theo Thủ tướng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, đặc biệt cần triển khai đấu thầu rộng rãi, không phải chỉ định thầu làm ảnh hưởng đến hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.