Tìm 'thần chết' thời… 4.0: Cứu tinh...'khuyển, tý'!

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
30/06/2020 05:55 GMT+7

Việc sử dụng các loài động vật vào hoạt động rà phá bom mìn hiện nay không phải là chuyện hiếm. Trong đó, chó và chuột nổi lên là những 'chuyên gia' khi bản thân chúng có những khả năng ưu việt.

“Chuyên gia” 4 chân

Giữa năm 2015, Tổ chức Renew/NPA (hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, thành lập nhờ sự hợp tác của UBND tỉnh Quảng Trị và Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) lần đầu tiên đưa những chú chó tham gia vào việc rà phá bom mìn sau chiến tranh tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là kết quả sau nỗ lực tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Thụy Điển (SIDA) với Renew/NPA.
Sau 2 tháng liên hệ, tháng 6.2015, PV Thanh Niên là một trong những nhà báo hiếm hoi được tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này tạo điều kiện ra tận hiện trường để chứng kiến những chú “khuyển” trổ tài. Còn nhớ, đó là một đồi thông hoang vắng ở thôn Xuân Mỵ (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ). Ở đó, có một nhóm gồm 3 nhân viên kỹ thuật, 3 chuyên gia người Campuchia sang “chuyển giao công nghệ” và 2 con chó nghiệp vụ tên là O-Nada và Fini.
Hong Rith, điều phối viên chương trình chó rà thuốc nổ của NPA Campuchia thời điểm đó, nói với người viết rằng việc tuyển chọn chó rà mìn cũng khắt khe như tuyển lựa phi công. Đó phải là giống chó cao cấp, chủ yếu xuất xứ từ châu Âu. Quá trình huấn luyện chúng cũng cực kỳ bài bản, nhưng đổi lại chế độ ăn uống của chúng ngang với... 1 võ sĩ đấm bốc hạng trung, chỉ ăn các loại thức ăn khô nhập từ các nước phương tây. Điều đó lý giải khi ở hiện trường, cán bộ rà phá có thể “phơi nắng” nhưng chó rà bom, mìn luôn có khu nghỉ riêng, có chiếu và dù che.
Tìm “thần chết” thời… 4.0: Cứu tinh...'khuyển, tý'!1

Chó rà bom, mìn tác nghiệp trên hiện trường

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cũng theo chuyên gia bom mìn đến từ đất nước chùa tháp, qua rèn luyện, chó rà bom, mìn có một kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng rất chính xác: đó là đi, ngửi và... ngồi. “Trong lúc làm việc, qua đánh hơi, nếu nó dừng lại, ngồi thẳng đứng và không sủa tiếng nào thì y như rằng ở khu vực đó có... bom, mìn”, Hong Rith nói vào thời điểm đó. Còn nhớ, chỉ trong buổi sáng mà người viết ghé hiện trường, O-Nada và Fini đã phát hiện tổng cộng 15 vật liệu nổ các loại với cách thức như trên.

“Siêu robot” cắt cỏ giúp dọn đường cho con người tìm… thần chết

Anh Đinh Ngọc Vũ (Phó giám đốc Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC) từng là người đứng đầu quản lý hoạt động rà phá bom mìn của Renew/NPA Quảng Trị và là chuyên gia quản lý kỹ thuật hiện trường cấp cao của NPA tại Lào), cho biết anh đã có một số tiếp xúc với việc đưa chó vào hiện trường rà bom, mìn. Theo anh, điểm ưu việt nhất của sử dụng chó so với máy rà bình thường chính là ở khả năng đánh hơi của loài động vật này.
Chó có thể loại bỏ tín hiệu kim loại mà chỉ ngửi thấy mùi thuốc nổ, dù vật liệu nổ vẫn đang ở dưới đất sâu nên tăng hiệu quả rà phá, đỡ mất thời gian. Tuy nhiên, theo chuyên gia bom mìn quốc tế hiếm hoi mang quốc tịch Việt Nam này, chó cũng có hàng loạt hạn chế. Đó là chi phí đào tạo và chi phí sinh hoạt rất tốn kém; chó chỉ làm việc trong điều kiện mát mẻ, không mưa mà cũng không quá nắng; chó thường mất tập trung với âm thanh, điều kiện khách quan ở hiện trường và đặc biệt là nó cần một “ông chủ” để nghe lời... “Ví dụ khi “ông chủ” của chú chó bị ốm, nó chắc chắn sẽ nghỉ vì không ai khác ngoài “ông chủ” có thể điều khiển nó làm việc được”, anh Vũ nói.
Cũng theo anh Vũ, từ những kết quả khả quan sau đợt thử nghiệm chó rà bom, mìn từ năm 2015, dự kiến sắp tới đây, Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị sẽ phối hợp với các chương trình rà phá bom mìn tại địa phương, sớm đưa những chú chó đặc biệt này trở lại. “Tôi cho rằng những hạn chế nêu trên thật khó khỏa lấp được sự ưu việt của loài này khi ra hiện trường. Có chúng, nhân viên rà phá sẽ đỡ vất vả hơn...”, anh Vũ bày tỏ quan điểm.
Tìm “thần chết” thời… 4.0: Cứu tinh...'khuyển, tý'!2

Chó rà bom, mìn được ngồi trên chiếu, có dù che để nghỉ ngơi giữa buổi tác nghiệp

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

“Nhỏ nhưng... có võ”

Đó là cách giới chuyên môn ví von khả năng đánh hơi, rà bom mìn của loài chuột. Dù nhỏ bé nhưng hiệu quả của chúng tạo nên trên hiện trường không hề kém cạnh loài chó, có kích thước lớn hơn chúng gấp hàng trăm lần. Bởi thường thì chuột tham gia rà bom, mìn chỉ nặng chừng 1 - 1,5 kg.
Thực tế, chuột chưa bao giờ được áp dụng trong rà phá bom, mìn tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Trên thế giới, cũng chỉ có một số ít quốc gia sử dụng loài gặm nhấm vào công tác này. Bản thân anh Vũ dù qua hàng loạt khóa huấn luyện trong, ngoài nước do Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức và đạt nhiều chứng chỉ chuyên môn về quản lý bom mìn quốc tế nhưng vẫn thừa nhận không có quá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. “Chủ yếu là ở châu Phi, như Tanzania, Mozambique... Từ khứu giác ưu việt của loài chuột, người ta sẽ huấn luyện chúng thành những chuyên gia dò mìn. Khi dò mìn, chuột chạy dọc theo dây của người điều khiển. Khi ngửi thấy mìn, chúng dừng lại, hít đất và bắt đầu đào vào đất. Từ những dấu hiệu này, các kỹ thuật viên sẽ tiến hành đào bới ở vị trí đó”, anh Vũ lý giải.
Cũng theo anh Vũ, giống như chó, việc đào tạo từ một con chuột bình thường thành... chuyên gia bom mìn khá tốn kém và mất nhiều thời gian. Trong khi đó, “tuổi lao động” của chuột chỉ kéo dài nhiều nhất là 4 - 5 năm. “Chó, chuột hay máy rà mìn thì cũng là công cụ để con người sử dụng trong việc rà phá bom mìn. Công cụ nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu. Kiểu như xe Ferrari chỉ chạy tốt ở đường phẳng lì, còn xe bán tải 2 cầu sẽ phát huy tác dụng ở đường địa hình. Làm sao để sử dụng kết hợp các công cụ này một cách tối ưu thì sẽ mang lại hiệu quả rà phá mỹ mãn”, anh Vũ kết luận.

Cận cảnh robot bọ cạp giúp con người tìm… thần chết

(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.