Tình hình Covid-19 hôm nay 13.9: Hà Nội, TP.HCM sắp chạm đích tiêm vắc xin mũi 1

13/09/2021 17:25 GMT+7

Tin tức về tình hình Covid-19 hôm nay: TP.HCM đặt mục tiêu đến ngày 15.9 đạt 100% người dân được tiêm vắc xin mũi 1; Bộ Y tế cung cấp thêm cho Hà Nội 1,5 triệu liều vắc xin để đến ngày 15.9 hoàn thành tiêm mũi 1.

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, 800.000 người phản ánh “mất chứng nhận tiêm chủng”, 2 triệu người chưa được cập nhật. Liên quan đến việc hàng trăm nghìn người dân phản ánh mất chứng nhận tiêm chủng hoặc sai lệch thông tin chứng nhận (tiêm 2 mũi nhưng chỉ có chứng nhận 1 mũi), đơn vị cung cấp phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho biết đã thu thập được khoảng 800.000 người gửi phản ánh trong 4 ngày qua. Theo thông tin từ đơn vị cung cấp phần mềm, đến sáng nay 13.9, đã có trên 29,4 triệu mũi tiêm đã được thực hiện, nhưng dữ liệu cá nhân trên cổng này mới ghi nhận hơn 27 triệu, tức còn khoảng 2 triệu mũi tiêm chưa nhập liệu hoặc nhầm lẫn dữ liệu. Lý do, trước đó nhiều địa phương hoặc các bệnh viện TƯ khi tiêm chỉ lưu giữ hệ thống giấy tờ mà chưa cập nhật ngay lên hệ thống. Theo yêu cầu của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), tới 20.9, các dữ liệu này sẽ phải cập nhật lên hệ thống.

Hà Nội cân nhắc nới lỏng sau 21.9 vì sắp hoàn thành mũi 1 vắc xin Covid-19

TP.HCM đề nghị rút ngắn khoảng cách tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 AstraZeneca xuống 6 tuần. Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét và có ý kiến cho phép rút ngắn khoảng cách tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 AstraZeneca từ 8 - 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần để đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 trên địa bàn. Hiện TP.HCM đang trong ngày thứ 5 của 7 ngày triển khai chiến dịch cao điểm tiêm vắc xin Covid-19, tốc độ trên dưới 200.000 liều/ngày. TP.HCM đặt mục tiêu đến ngày 15.9 phải đạt 100% người dân được tiêm vắc xin mũi 1. Trước đó, Bộ Y tế có hướng dẫn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vắc xin AstraZeneca là từ 8 - 12 tuần. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho biết trong tài liệu nghiên cứu khoa học của vắc xin AstraZeneca, nhà sản xuất khuyến cáo tiêm mũi 2 cách mũi 1 là 3 tuần. Muốn đạt miễn dịch tốt hơn, khoảng cách là từ 8 - 12 tuần. Nhà sản xuất cũng lưu ý rõ, trong vùng dịch nên tiêm sớm, khoảng cách 2 mũi là 4 tuần.

Sắp hoàn thành mũi 1 vắc xin, Hà Nội cân nhắc phương án nới lỏng. Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố được phân bổ 4,6 triệu liều vắc xin, tổng số lượng tiêm tính đến chiều qua (12.9) là 4,3 triệu liều. Trong sáng 13.9 tiêm xong số vắc xin còn lại. Theo dự kiến, Bộ Y tế tiếp tục cung cấp cho Hà Nội 1,5 triệu liều vắc xin để bảo đảm đến ngày 15.9 hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho người dân. Một số quận, huyện của Hà Nội tính đến tối qua đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin mũi 1 cho người dân như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm. Hà Nội yêu cầu các quận, huyện phải tính toán, nghiên cứu, sớm có định hướng cho giai đoạn chống dịch sau ngày 21.9. Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nói: “Chúng ta không thể thực hiện giãn cách xã hội mãi, khi dịch bệnh được kiểm soát thì phải nới lỏng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội".

Shipper TP.HCM được hoạt động liên quận từ ngày 16.9

Tiền Giang hỏi mượn 500.000 liều vắc xin Sinopharm của TP.HCM. Ngày 13.9, tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang cho biết ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã gửi công văn đến UBND TP.HCM và ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, hỏi mượn 500.000 liều vắc xin Sinopharm về tiêm cho người dân Tiền Giang để kịp theo kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đã ban hành. Ông Vĩnh cho biết tỉnh đã liên hệ với các đối tác nước ngoài tìm nguồn vắc xin phòng Covid-19 cho tỉnh có thể triển khai kịp thời kế hoạch tiêm chủng miễn dịch cộng đồng (dự kiến có khoảng 1,4 triệu dân từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ phải tiêm vắc xin). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các nỗ lực tìm vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh vẫn chưa có kết quả. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, từ tháng 6 đến nay, tỉnh đã nhận từ sự phân bổ của Bộ Y tế được 300.000 liều vắc xin, gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị quân đội chi viện nhân lực cho trạm y tế lưu động. Ngày 13.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết PGS-TS Tăng Chí Thượng đã ký văn bản khẩn gửi đến Cục Quân y - Bộ Quốc phòng về việc đề nghị hỗ trợ nhân lực tham gia trạm y tế lưu động tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Qua số liệu thống kê số lượng F0 đang cách ly và điều trị tại nhà của các trung tâm y tế quận huyện, TP.Thủ Đức, Cục Quân y cho biết đã thống nhất với Sở Y tế TP.HCM tiếp tục chi viện nhân lực cho 102 trạm y tế lưu động. Cụ thể, Cục Quân y sẽ bổ sung nhân sự cho 102 trạm y tế lưu động tại các quận: 3, 4, 6, 8, 10, 11, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và H.Hóc Môn, nâng tổng số trạm y tế lưu động do Cục Quân y hỗ trợ tại TP.HCM lên 502 trạm (trước đây là 400 trạm).

Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca mũi 1. Số liều vắc xin được sử dụng trong kế hoạch này là 192.201 liều, tương đương với 192.201 người trong tổng số 200.000 liều theo quyết định phân bổ ngày 2.9 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đợt 1 đã triển khai được 7.799 liều. Mũi 1 vắc xin AstraZeneca sẽ được tiêm cho các đối tượng được quy định tại Quyết định số 3355 ngày 8.7.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cụ thể, đối tượng được tiêm lần này bao gồm: nhân viên hiện đang làm việc tại các phòng khám tư nhân; lực lượng tham gia phòng chống dịch tại các quận, huyện và xã, phường; ban điều hành phòng chống dịch Covid-19 các cấp; nhân viên các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình; người lao động tại các các công ty, doanh nghiệp, cụm công nghiệp. Đáng chú ý, đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần này sẽ ưu tiên cho nhóm người cung cấp dịch vụ thiết yếu.

“Thẻ xanh Covid” không thể thay thế 5K và xét nghiệm

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, kế hoạch mở cửa kinh tế của Đồng Nai sau 15.9 không bao gồm kết nối liên vùng. Theo dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến sau ngày 15.9, một số lĩnh vực kinh tế, dân sinh thuộc vùng xanh được mở trở lại với điều kiện có thẻ xanh vắc xin và không bao gồm kết nối liên vùng… Giai đoạn 1, từ ngày 15.9 - 15.10, triển khai các giải pháp tập trung cần làm ngay. Vừa thực hiện vừa đánh giá trên 2 tiêu chí tỷ lệ tiêm vắc xin và mức nguy cơ theo các vùng, điều chỉnh kịp thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Giai đoạn 2, từ ngày 15.10 trở đi, đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế, tiến tới khôi phục hoàn toàn (vẫn tiếp tục thực hiện các khuyến nghị của ngành y tế về đảm bảo an toàn phù hợp với diễn biến dịch bệnh). 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.