Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM triển khai các gói an sinh xã hội khoảng 900 tỉ đồng. Theo rà soát, dự kiến có hơn 90.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 170.000 hộ lao động nghèo được hỗ trợ. TP.HCM sẽ hỗ trợ một lần mức 1,5 triệu đồng/hộ. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước là 1 triệu đồng, nguồn kinh phí vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM là 500.000 đồng (gồm 200.000 đồng tiền mặt và phần quà nhu yếu phẩm trị giá 300.000 đồng). Như vậy, hộ nghèo, hộ khó khăn sẽ được hỗ trợ 1,2 triệu đồng tiền mặt và một phần nhu yếu phẩm trị giá 300.000 đồng.
Từ ngày 10.8, Đắk Lắk đón công dân về từ TP.HCM và 3 tỉnh phía nam. Cụ thể, ngày 10.8, tỉnh Đắk Lắk đón đợt đầu 438 công dân (đã đăng ký danh sách) từ TP.HCM về địa phương. Tiếp đó, lần lượt đón công dân tại Bình Dương vào ngày 15.8, tại Đồng Nai ngày 20.8 và tại Tây Ninh ngày 25.8. Sau 4 đợt đón công dân này, tùy tình hình diễn biến dịch bệnh ở hai phía Đắk Lắk và các tỉnh, thành bạn; khả năng, điều kiện cách ly tập trung của địa phương, tỉnh Đắk Lắk sẽ quyết định phương án đón công dân tiếp theo.
Lâm Đồng tạm ngưng đón công dân từ vùng dịch Covid-19 về quê. Sáng 5.8, bà Lê Thị Thêu, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh Lâm Đồng tạm ngưng triển khai kế hoạch đón công dân từ vùng dịch Covid-19 TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai trở về địa phương, theo tinh thần Công điện 1061/CĐ-TTg ngày 31.7.2021 về thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Cùng ngày, UBND TP.Đà Lạt có văn bản hỏa tốc giao UBND các phường, xã và Thành đoàn khẩn trương thông báo việc tạm dừng tiếp nhận công dân Đà Lạt có nhu cầu trở về từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...
Thái Bình dừng đón người từ vùng có dịch về. Trước tình hình người dân từ vùng có dịch tự ý về địa phương, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã thống nhất với các đơn vị, từ 12 giờ ngày 6.8, Thái Bình không tổ chức tiếp nhận công dân từ vùng có dịch về tỉnh nhằm kiểm soát nguy cơ dịch xâm nhập vào tỉnh; bảo đảm an toàn cho người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh, tránh quá tải cho công tác điều trị…
Hai người ở Hà Nội cách ly xét nghiệm 6 lần âm tính, test lần 7 dương tính Covid-19. Nữ công nhân H.T.T.H (25 tuổi, thôn Bầu, xã Kim Chung, H.Đông Anh, cách ly tập trung từ 16 - 31.7) ngày 31.7 được xét nghiệm lần 6 âm tính, về nhà. Đến ngày 3.8, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh và PCR dương tính. Anh P.Đ.T (nam, 25 tuổi, P.Cổ Nhuế 2, Q.Bắc Từ Liêm, cách ly tập trung từ 16.7 - 31.7) ngày 31.7 được xét nghiệm lần 6 âm tính, về theo dõi sức khỏe tại nhà. Đến ngày 3.8, bệnh nhân xuất hiện sốt, đau họng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. |
Trong 3 ngày, Đà Nẵng phát hiện hơn 1.045 vụ dùng giấy đi đường trái quy định. Sáng 4.8 tại chốt kiểm soát số 10 P.Hòa Hải (Q.Ngũ Hành Sơn), Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải phát hiện nhân viên Công ty TNHH Vận tải Dịch vụ và thương mại Hoàng Đức (Q.Cẩm Lệ) mang theo 9 giấy đi đường ký khống. 9 giấy đi đường này do Giám đốc Nguyễn Hữu Đức ký, đóng dấu công ty ngày 1.8 nhưng để trống toàn bộ thông tin. Trước đó, UBND Q.Cẩm Lệ cũng xử phạt 22,5 triệu đồng đối với Hợp tác xã Kinh doanh vận tải AHP – chi nhánh Đà Nẵng (Q.Hải Châu) và lái xe của HTX về hành vi ký khống 7 giấy đi đường để phát cho hàng xóm.
Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM khám chữa bệnh cho F0 mắc các bệnh lý khác. Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân Covid-19 (F0) có thẻ BHYT cần điều trị các bệnh lý khác tại các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện điều trị Covid-19, Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các đơn vị này khám chữa bệnh cho F0 mắc các bệnh lý khác. Lập hồ sơ bệnh án ngoại trú để thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội theo hạng bệnh viện, danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc, giá dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện (không bao gồm các chi phí khám chữa bệnh Covid-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành theo Quyết định 3416/QĐ-BYT ngày 14.7.2021 của Bộ Y tế).
Bình Dương triển khai tiêm vắc xin cho 13 nhóm đối tượng. Từ ngày 4.8, tỉnh tiến hành tiêm khoảng 325.520 liều vắc xin (gồm AstraZeneca, Moderna và Shinopharm) cho người dân. Trong số này, có 23.000 liều vắc xin Shinopharm tiêm cho công nhân Trung Quốc và du học sinh chuẩn bị đi du học Trung Quốc. Đối tượng tiêm vắc xin các đợt được chia làm 13 nhóm trong đó có công nhân, người lao động, người nghèo, tài xế, bưu chính, lao động tự do, giáo viên… Ưu tiên tiêm cho công nhân các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Hải Phòng hỏi mượn TP.HCM 500.000 liều vắc xin Sinopharm. Theo UBND TP.Hải Phòng, địa phương này có khoảng 1,6 triệu đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng Covid-19. Để đáp ứng nhu cầu tiêm, Hải Phòng đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 2 triệu liều vắc xin Sinopharm và 1,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 khác. Đến nay, Bộ Y tế mới phân bổ cho Hải Phòng gần 165.000 liều vắc xin phòng Covid-19 các loại. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Hải Phòng là rất lớn. Để kịp thời tiêm vắc xin cho người dân TP.Hải Phòng, UBND TP.Hải Phòng đã đề nghị được mượn tạm 500.000 liều/1 triệu liều vắc xin Sinopharm mà TP.HCM đang có.
Bình luận (0)