Dù thuộc nhóm có nguy cơ thấp nhưng UBND tỉnh Thái Bình vẫn yêu cầu các cơ sở kinh doanh (trừ mặt hàng thiết yếu) và dịch vụ giải trí vẫn phải đóng cửa. Thái Bình cũng tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành, tổ tuần tra, tổ tự quản để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa phương.
Tương tự, Thanh Hóa không nằm trong nhóm 1, tuy nhiên để phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh này từ 16 - 30.4; người dân hạn chế ra ngoài; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và cách nhau trên 2 m; duy trì các chốt, trạm, tổ giám sát dịch bệnh Covid-19. Thanh Hóa tiếp tục thực hiện dừng các hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao trong nhà, bóng đá (trừ bóng đá chuyên nghiệp), du lịch; quán bar, vũ trường, karaoke... Thanh Hóa cũng cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết kỳ nghỉ lễ 30.4.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều cùng ngày, ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: “Mặc dù địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp nhưng do nằm giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bình Thuận là nhóm có nguy cơ cao nên tỉnh đang cân nhắc sẽ cấm tắm biển. Vì để người dân tắm biển sẽ rất khó kiểm soát người địa phương hay ngoài tỉnh đến”.
Các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum... thuộc nhóm nguy cơ thấp nhưng vẫn rất cảnh giác với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ: dừng tất cả các hoạt động hội họp, các hoạt động tôn giáo, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người, đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng và cơ sở kinh doanh dịch vụ (massage, karaoke, vũ trường, quán bar, các địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, rạp chiếu phim, phẫu thuật thẩm mỹ…) cũng tiếp tục dừng hoạt động.
Không đến từ nơi “có nguy cơ cao” vẫn phải trình “giấy xác nhận”
Hải Phòng đã tạm dừng các chốt kiểm soát cấp thôn từ 0 giờ ngày 16.4. Các bến phà, đò kết nối với tỉnh Thái Bình và Hải Dương hoạt động từ 6 - 8 giờ và 16 - 18 giờ hằng ngày. 50% số đầu xe của từng hãng taxi được hoạt động trong TP với số người trên xe bằng dưới 50% số ghế. Các cơ quan, đơn vị chỉ được cho tối đa 50% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến cơ quan làm việc... Đáng chú ý, những người không phải từ 12 địa phương có nguy cơ cao (Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Tây Ninh) được vào TP.Hải Phòng nhưng phải có xác nhận của cơ quan, chính quyền nơi đi và không phải cách ly y tế tập trung khi đến Hải Phòng. Tại các chốt kiểm soát cửa ngõ, người đến Hải Phòng phải để họ tên, địa chỉ, lịch trình nơi đi, nơi đến.
Người từ Hải Phòng ra khỏi TP và đến các nơi không phải 12 địa phương có nguy cơ cao, khi trở về không phải thực hiện cách ly y tế tập trung, nhưng phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị hoặc địa phương nơi đến. Về giấy xác nhận, ngày 16.4, ông Phạm Hưng Hùng, Chánh văn phòng UBND TP.Hải Phòng, cho biết: "Giấy xác nhận nhằm chứng minh người đến (về) Hải Phòng không đến từ 12 tỉnh có nguy cơ cao, qua đó không cần phải đi cách ly tập trung. Chính quyền cấp xã hoặc doanh nghiệp, công ty nơi người muốn đến (về) Hải Phòng xác nhận là được. Mẫu giấy xác nhận thì do địa phương, công ty cấp, có đóng dấu đỏ".
Bình luận (0)