Đó là khẳng định của đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Công an TP.HCM trước sự lo ngại của các đại biểu về công tác chữa cháy nếu tòa nhà cao nhất TP.HCM bị cháy.
Ngày 10.5, HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP.HCM.
Tại phiên họp, một số đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi: TP.HCM có tòa nhà Land Mark cao 81 tầng và một số tòa nhà cao tầng khác, giả sử tòa nhà này xảy ra cháy, Công an TP sẽ chữa cháy thế nào, có đảm bảo không? Bởi ĐB lo ngại xe thang chữa cháy không đủ chiều cao để dập lửa hiệu quả.
Trả lời vấn đề này, đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết hiện nay lực lượng PCCC của TP.HCM có 10 xe thang, trong đó xe thang cao nhất là 75 m. Thực tiễn công tác chữa cháy cho thấy xe thang là phương tiện hỗ trợ chữa cháy đắc lực, tuy nhiên xe thang không phải là giải pháp duy nhất để chữa cháy.
Theo đại tá Hưởng, đối với các tòa nhà cao tầng, trong thiết kế được thẩm duyệt, cơ quan chức năng đã tính đến phương án chữa cháy, cứu nạn. Cụ thể, ngoài thang máy, thang bộ thoát hiểm, các tòa nhà cao tầng hiện đại, có số tầng nhiều, thì phải có thêm cầu thang phục vụ chữa cháy ở phía ngoài. Trong trường hợp tòa nhà xảy ra cháy ở vị trí cao hơn xe thang, thì lính cứu hỏa phải sử dụng hệ thống thang này để phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn.
Vì vậy, đại tá Hưởng nhấn mạnh, việc chữa cháy ở các đám cháy trên cao không phải phụ thuộc hoàn toàn vào xe thang.
|
Hiểm nguy rình rập từ vấn nạn chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở
ĐB Trương Lâm Danh đặt câu hỏi, hiện nay các chung cư chưa nghiệm thu PCCC, chưa đủ điều kiện nhưng do lợi nhuận chủ đầu tư vẫn để dân vào ở, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Năm 2018 đã xảy ra 15 vụ cháy chung cư, mới đây nhất là cháy chung cư Hà Kiều (Q.Gò Vấp), vậy PCCC đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Trả lời chất vấn của ĐB, đại tá Hưởng cho rằng theo quy định, đối với công trình xây dựng nói chung và chung cư nói riêng khi chưa được nghiệm thu PCCC, thì chưa được cho hoạt động kể cả kinh doanh hay cho dân vào ở.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình cho dân vào ở. Đây là việc làm sai trái và cơ quan chức năng phải xử lý, quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ.
Thế nhưng, đại tá Hưởng trăn trở khi việc xử lý đình chỉ và tạm đình chỉ rất khó khăn vì sợ dân phản đối. Những hộ dân đã vào ở thì rất khó vận động người dân ra, còn cưỡng chế mạnh hơn thì lại không thuộc thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát PCCC mà cần các chế tài của TP.
Đại tá Hưởng kêu gọi người dân nếu phát hiện chung cư nào trên địa bàn TP.HCM vi phạm về PCCC, thì báo ngay cho Công an TP.HCM để lực lượng chức năng xử lý nhằm đảm bảo an toàn PCCC, tính mạng, tài sản của người dân.
Kết luận phiên họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, cho rằng hiện nay UBND các cấp có lúc chưa chỉ đạo mạnh về công tác PCCC trên địa bàn quận, huyện; trang bị PCCC tại chỗ còn mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế nếu có tình huống bất lợi xảy ra. Nhiều tổ chức, hộ kinh doanh không quan tâm đến PCCC, thiết bị PCCC còn hạn chế...
Theo Công an TP.HCM, từ tháng 1.2017 đến tháng 3.2019, TP.HCM xảy ra 1.945 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn (tăng 452 vụ, tỷ lệ tăng 30,27%).
Tuy nhiên, số người chết giảm (29 người chết) và bị thương tăng (93 người bị thương). Những địa bàn xảy ra cháy nhiều có H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, Q.Tân Bình…
Các vụ cháy xảy ra nhiều ở nhà ở đơn lẻ, với nguyên nhân chủ yếu đến từ sự cố trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện (chiếm 47,5%).
|
Bình luận (0)