Gần 22 giờ đêm, khi đã may lại vết rách sau sinh, tôi được trút khỏi bộ quần áo bầu thay vào đó là bộ đồ bà đẻ rộng rãi, sạch sẽ để đưa ra hành lang gặp lại người thân.
Một cái nắm tay thật chắc, bàn tay còn lại đặt lên trán: "Mệt không vợ", chồng tôi hỏi. Kế đó thay cho mẹ đã túc trực ở bệnh viện cả ngày là chị gái tôi. Một tay cầm phích nước nóng, tay kia xách bị đồ đặt vội xuống góc giường chị tôi nhận cháu từ tay nữ hộ sinh rồi mang tới gần để tôi nhìn mặt con được rõ.
Rất nhanh gọn, một hộ lý giúp tôi chuyển từ băng ca xuống chiếc giường hẹp. "Một người nhà ở lại còn mọi người ra ngoài hết", hộ lý hướng dẫn.
Họ bắt đầu dạy cho chúng tôi những kỹ năng chăm con đầu tiên: "Dù mệt, dù khó các chị phải gắng cho con bú. Sữa mẹ là thứ không gì thay thế được và sẽ giúp con có sức đề kháng tốt nhất", nói đoạn chị hộ lý giúp tôi kiểm tra sữa: "nước vàng này chính là sữa non. Sữa non này chỉ có trong khoảng 3 ngày đầu, chị đừng coi thường vì nó rất nhiều chất dinh dưỡng".
Máy hút sữa... di động
Tôi được chuyển qua phòng dịch vụ. Lúc này bệnh viện thông báo, phòng riêng cho gia đình đã hết, chỉ còn phòng 8 giường. Phòng này có đầy đủ nước nóng, giường cho sản phụ và ghế bố cho người thăm nuôi. Thêm một chiếc nôi nhỏ được đặt cạnh giường dành cho em bé.
Vậy là ổn, tôi sẽ ở lại đây cho đến khi cơ thể ổn định thì được về nhà.
Thời gian ở lại phòng này, tôi có điều kiện tiếp xúc và quan sát cách chăm sóc của nhiều người lớn tuổi. Họ có những kinh nghiệm chăm sóc dân gian rất hiệu quả. Ví như có chị bị căng bầu sữa, một cô liền chạy ra chợ mua mấy lá trầu không về hơ trước ngọn lửa rồi áp vào
ngực, sau đó bầu sữa của sản phụ bớt căng, cảm giác đau đớn cũng giảm dần. Cũng có gia đình kỳ công về nhà nắm cơm, ủ nóng để chườm lên bụng sản phụ. Họ giải thích, cách này giúp sản phụ nhanh lấy lại vóc dáng và giảm vòng bụng nhanh chóng. Những cách làm này khá thông dụng còn trường hợp chị C. (24 tuổi, quê An Giang) bị thụt đầu ti thì cả phòng tôi ở không ai biết cách giải quyết. Anh Trung, chồng chị phải chạy tới chạy lui nhờ người chỉ cách. Một chị phòng bên hướng
dẫn: thay máy hút sữa. Rồi chị cố gắng nắm đầu ti của chị C. kéo ra ngoài nhưng không hiệu quả. Chị bảo: "Sức tôi phụ nữ không bền", rồi giao lại nhiệm vụ đó cho anh Trung. Cả buổi anh Trung hì hục vừa kéo vừa nắn cho đầu ti của vợ ló ra. Khi đã nhìn thấy một chút bóng dáng, mọi người trong phòng hối anh không cần ngại, phải nhanh chóng thay con hút cho đầu ti lồi lên để em bé có bầu sữa bú sớm. Nhìn vẻ lúng túng, ngại ngùng của anh Trung cả phòng bụm miệng nhưng không dám cười.
Khi câu chuyện của vợ chồng anh Trung đang thu hút hết sự quan tâm của mọi người thì phòng lại có thêm "sự cố". Vì sức khỏe sau sinh quá yếu, chị Trần Mỹ Yến (Bình Thạnh, TP.HCM) không thể kìm nổi cơn buồn vệ sinh nên vừa bước được vài bước ra khỏi khu vực giường mình tới giữa phòng thì nhăn mặt "ra hết rồi". Chị vừa đại tiện lẫn tiểu tiện trước con mắt đổ dồn của mọi người trong phòng. Chị lúng túng, mặt cắt không còn giọt máu. Người nhà nhanh chóng đỡ chị vào phòng vệ sinh, tới nơi chị nằm bẹp xuống nền nhà.
Phải 5 phút sau, cơn đau đã giảm, hết choáng chị mới bò lên để vệ sinh cho mình sạch sẽ. Trong lúc đó, người nhà chị chạy đôn chạy đáo thu gom hết khăn giấy có ở trong phòng để thu dọn bãi chiến trường...
Đổi cơm lấy... sữa
Trong khi hầu hết các thai phụ trong phòng vẫn còn khan sữa thì chị Trần Thị Vân (25 tuổi, quê Long An) lại có nguồn sữa dồi dào. Chị Vân sinh non nhưng con khỏe nên được về sớm. Về nhà, do có biến chứng sau sinh nên phải nhập viện lại. Giống khi chị sinh, vẫn là chồng và mẹ chồng thăm nuôi. Tuy nhiên, vì không biết chị sẽ phải ở lại đến khi nào nên chồng dẫn theo cả đứa con trai 10 tuổi. Vậy là đủ mặt cả nhà đi nuôi chị đẻ. Mỗi bữa gia đình chị vẫn ra ngoài mua cơm. Anh chồng chị Vân nói trêu. Sữa của vợ thì thừa, cơm của nhà thì thiếu. Giá mà cả nhà uống sữa mà no được thì khỏi mua cơm.
|
Anh Hoàng (chồng chị Vân) nói vậy cũng không ngoa bởi mỗi ngày chị vắt được cả chục bịch sữa. Vì tiếc, gia đình chị đã đi liên hệ với bệnh viện để tặng cho ngân hàng sữa mẹ. Tuy nhiên, để tặng sữa, chị Vân sẽ phải đi làm một số xét nghiệm và thủ tục tặng sữa cũng khá lòng vòng. Bởi vậy, sữa của chị dư mà cơm ăn lại thiếu. Những ngày sau đó, nhiều gia đình có sản phụ đang khan sữa đề nghị nhà anh Hoàng không cần mua cơm, sữa của chị Vân sẽ chia đều cho các em bé cùng phòng. Đổi lại, các gia đình khác sẽ nấu cơm nhà để cả gia đình anh Hoàng cùng ăn. Lúc đầu, anh Hoàng từ chối vì sợ phiền mọi người. Tuy nhiên, sau khi nghe giải thích việc nấu nướng cho bà bầu hằng ngày vẫn diễn ra. Chỉ là nấu thêm chút gạo để gia đình anh không phải mua cơm bên ngoài mất vệ sinh nên anh đồng ý. Những ngày này, phòng tôi ở luôn râm ran tiếng cười đùa.
Chỉ hai ngày vỏn vẹn mà những con người tứ xứ lại trở nên gần gũi, thân thiết. Một căn phòng xa lạ lại như một mái nhà chung đầy yêu thương, chia sẻ. Đúng như anh chồng nào đó đã thốt lên trong những ngày ở lại đây: "Đi bệnh viện mà muốn vui thì chỉ có vào khoa sản". (còn tiếp)
Gia đình trẻ trâuHầu hết các gia đình, người đi nuôi thường là bố mẹ hoặc những người có kinh nghiệm chăm sóc bà đẻ. Tuy nhiên, vì gia đình nội ngoại ở xa nên vợ chồng Vũ Kim Anh (19 tuổi, nhà Q.5, TP. HCM) tự chăm nhau. Dù vợ vừa trải qua quá trình mổ đẻ đau đớn nhưng không hề kiêng cữ gì. Cặp vợ chồng 19 tuổi thả sức ăn ngủ. Có hôm gửi con cho mấy người ở phòng coi giúp, vợ chồng Anh dìu nhau xuống căn tin bệnh viện mua lên một bịch bánh snack. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ mà phải chăm con nên cả hai đều rất lơ là. Tối đến thay vì thức chăm con, vợ chồng Anh hồn nhiên... giành nhau điện thoại. Khi con khóc, cả hai đùn đẩy cho nhau vì cùng không biết dỗ con... Cám cảnh đứa trẻ không biết chăm con, mỗi người trong phòng một tay giúp đỡ. Khi thì người này lấy cho bình nước nóng, khi thì người kia giúp thay tã cho con. Lúc con khóc, lại nhờ những người lớn tuổi trong phòng dỗ nín.
Thậm chí đêm đến khi mọi người đã ngủ, họ phải nhờ một người đàn ông trung niên đi chăm vợ giường kế bên để ý hai vợ chồng và đứa nhỏ. Khi đứa bé khóc, trách nhiệm của người đàn ông trung niên là lấy chân gõ mạnh vào giường để cả hai thức dậy dỗ con. Dù việc chăm con vụng về làm ảnh hưởng không ít tới việc nghỉ ngơi của bà đẻ và em bé trong phòng nhưng hầu hết những người ở cùng đều nhìn gia đình Anh bằng con mắt thông cảm và gọi vui là... "gia đình trẻ trâu".
|
Bình luận (0)