Mùa xuân trong căn phòng có lằn ranh sống chết

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
10/02/2021 06:00 GMT+7

Nơi căn phòng chăm sóc y tế đặc biệt, chỉ dành cho những bệnh nhân nặng ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (TP.Đồng Hới, Quảng Bình ), liệu có mùa xuân (?)

1. Những ngày giáp tết, trong 1 sự cố không mấy vui của gia đình, 1 người thân của tôi gặp tai nạn đã đẩy tôi vào căn phòng của khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cu Ba)...
Căn phòng trắng toát, nằm ở tầng 6, thoáng làm cho người ta ghê người vì chút lạnh lẽo ở nơi chỉ dành cho những bệnh nhân nặng. Nơi đây được kiểm soát khá nghiêm ngặt, cửa vào ra luôn được khóa kín, người nhà rất hạn chế vào thăm nom và chỉ được vào khi được phép của nhân viên y tế...

Phía sau cánh cửa này có lằn ranh sống chết...

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Có người bảo rằng, ở trong căn phòng này có lằn ranh chuyện sống chết. Hầu hết các bệnh nhân đều mê man, thở máy, số ít tỉnh táo hơn, nhưng chỉ cần chợp mắt một chút rồi mở mắt ra thì đã không thấy người nằm bên cạnh mình (nghĩa là "hàng xóm" của họ đã không qua khỏi). Ở đây, thứ âm thanh duy nhất tồn tại, vang lên đều đặn đến mức rùng rợn chính là tiếng của những chiếc máy đo các chỉ số sinh tồn của con người...
10 đêm, tôi đã ở trong căn phòng ấy. Cứ 1 vài ngày, không gian im lặng lại bị xé toang bởi tiếng khóc, tiếng gào thét của thân nhân khi người thân của họ vừa qua đời hoặc bị... "bệnh viện trả về".
Chăm người thân trong căn phòng được ví là "bẩn" nhất bệnh viện theo nghĩa bóng, nơi tồn tại những con “vi khuẩn có nanh”, kháng thuốc... nếu không đeo đồng hồ, hẳn tôi không còn biết ngày hay đêm, bởi điện bật sáng trưng, máy sưởi cũng chạy 24/24... Vậy nên, dễ hiểu khi tôi từng tự hỏi rằng “Nơi này, làm sao có mùa xuân?”
2. 10 đêm không phải là khoảng thời gian quá dài để tôi biết nhiều về họ, những nhân viên y tế trong Khoa hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cu Ba), nhưng đủ để tôi biết rằng làm nghề y đã căng, thì làm ở trong khoa này còn căng gấp bội phần. Có lẽ chính vì thế mà đây là khoa hiếm hoi có điều dưỡng trưởng là... nam, có lẽ do công việc quá nặng nhọc.

Vóc người bé nhỏ, nhưng những nữ điều dưỡng ở đây đã có một sức khỏe tốt để chịu đựng áp lực công việc

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Nhưng lạ kỳ thay, những nữ điều dưỡng mà tôi gặp ở nơi này, hầu hết đều có vóc người bé nhỏ, có cô tôi đoán chỉ hơn 4 chục ký lô. Ấy thế nhưng họ làm việc ngày đêm, không chỉ là việc đến giờ thì cho bệnh nhân uống thuốc... họ phải làm luôn cả những việc mà ở các khoa khác, thân nhân người bệnh sẽ cáng đáng: là thay bỉm, lau người, thay ga giường, mát xa lưng và thậm chí là cho ăn. Hình ảnh những cô điều dưỡng bé nhỏ vẫn nâng được những bệnh nhân nặng 60 - 70 kg lúc họ đã mất tri giác để vệ sinh cơ thể, thực sự khó giải thích về mặt... vật lý. Vậy nên, muốn làm việc ở môi trường này, hẳn họ cần sức khỏe về thể lực và cả tinh thần...
Trong những lần hiếm hoi bắt chuyện, tôi vẫn thường hỏi những câu đầy xã giao với các nữ điều dưỡng rằng: Thế chị đã chuẩn bị tết nhất gì chưa? Tôi luôn được đáp lại bằng những nụ cười ý nhị, kiểu như nói rằng: Tết đối với điều dưỡng khoa này quả là điều... xa xỉ. Bởi dù có sắp xếp ca trực thế nào, bệnh nhân vẫn ở đó, họ vẫn phải làm việc... Việc đón xuân trong căn phòng lạnh toát này là điều mà họ sẽ phải chuẩn bị tâm lý, gia đình họ cũng phải chuẩn bị tâm lý.
3. Cũng ở trong căn phòng hiện diện lằn ranh của sống chết đó, tình máu mủ gia đình hiện rõ mồn một.
Đối diện giường bệnh người thân của tôi có 1 bà cụ, trên 80 tuổi, hằng ngày dù có thay người, nhưng tuyền chỉ có đàn ông chăm nom. Hỏi ra mới hay, cụ có tới 6 đứa con trai, không có mụn con gái nào. Chia ca kíp đều đặn nhưng việc chăm bẵm mẹ già với vẫn trôi tròn với những đứa con trai nay cũng U50, U60... tóc lấm tấm bạc. Cụ khó chịu quẫy đạp, giật văng dây chuyền nước, không chịu ăn cơm... đều được họ dỗ dành...

"Con chăm cha, sao bằng bà chăm ông".

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Hay ở phía góc phòng là 2 cụ ông khác, cũng đã trên 70, đều đang được những người vợ già chăm bẵm. Câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông” sao mà khéo thế... Nhìn họ, mới hay ông bà xưa đã nói thì cấm có sai.
Ở đây, nơi làn ranh giữa cái sống và cái chết, những mâu thuẫn gia đình, những lỗi lầm của người này người kia... đều được gạt bỏ sang 1 bên. Tình thân đã chiến thắng hết tất thảy. Và khi Tết đã đến rất gần, ước mơ của họ lúc này không phải là đào mai, cũng không phải là phong thơ dày cộm hay những lẵng quà nặng trĩu, mà giấc mơ của họ là thân nhân của mình có thể xuất viện, có thể trở lại như người bình thường, kịp sum vầy bên gia đình vào mùa xuân mới.

Giấc mơ của hết thảy người thân cũng như bệnh nhân là sớm được về nhà đón tết.

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Người thân của tôi may mắn đã được rời khỏi Khoa cấp cứu tích cực chống độc để về khoa Phục hồi chức năng, một khoa “vui vẻ” hơn, sau 14 ngày. Gia đình chúng tôi đã có cơ hội để đón mùa xuân của mình, bởi bệnh nhân ở khoa Phục hồi chức năng sẽ có nhiều cơ hội ra viện ăn tết, sau đó tính tiếp. Còn với những y bác sĩ và bệnh nhân ở Khoa cấp cứu tích cực chống độc, liệu họ có mùa xuân ? Vậy nhưng, trong phút từ biệt, 1 bác sĩ trẻ ở khoa này đã nói với tôi rằng: “Mùa xuân của họ chính là nụ cười, là sức khỏe của bệnh nhân...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.