Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói gì về 'tàu cá 67' nằm bờ?

04/11/2019 17:36 GMT+7

Trong số 1.034 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì có 21 tàu gặp sự cố và 55 tàu không đi vào hoạt động.

Ngày 4.11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc gặp gỡ trao đổi thông tin chuyên đề về ngành thủy sản Việt Nam trước khi đón đoàn công tác của Ủy ban châu Âu đánh giá về khắc phục thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT và đại diện Tổng cục Thủy sản đã thông tin cụ thể về việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Trần Đình Luân cho rằng, việc triển khai Nghị định 67 đã tạo động lực để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển về số lượng tàu cá xa bờ, nhằm tạo động lực để khuyến khích thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng tàu cá, trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến hết ngày 31.12.2017, cả nước đã có 1.030 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động. Trong đó, chia theo công năng thì có 863 tàu khai thác, 167 tàu dịch vụ hậu cần; chia theo chất liệu thì có 574 tàu cá vỏ gỗ, 358 tàu cá vỏ thép và 98 tàu cá đóng từ vật liệu mới.
Cũng theo ông Luân, đáng lưu ý là trong số tàu cá đóng theo Nghị định 67 thì có 21 tàu vỏ thép gặp sự cố. Trong đó, có 20 tàu của tỉnh Bình Định (5 tàu đóng tại Công ty Đại Dương Nguyên, 15 tàu đóng tại Công ty Nam Triệu) đến cuối năm 2017 đã được khắp phục và hoạt động bình thường. Còn tại Quảng Nam vẫn còn 1 tàu đóng mới nhưng khi chạy thử gặp sự cố gãy trục cơ và đang tranh chấp pháp lý.
Bên cạnh đó, 55 tàu khác đóng mới nhưng không đi vào hoạt động, chủ yếu là tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần nghề cá, tàu lưới rê, tàu câu.
Ông Luân cho biết, nhiều tàu hậu cần hoạt động không hiệu quả là do chủ tàu không tính toán kỹ, không kết nối đủ với nhóm tàu khai thác nên đưa vào hoạt động thì xảy ra tình trạng không đủ nguyên liệu để vận hành. Theo ông Luân, bên cạnh đó còn có nguyên nhân ngay từ khi xét duyệt, chính quyền địa phương kiểm tra chưa chặt chẽ, một số chủ tàu đang đánh bắt gần bờ, không am hiểu về nghề đánh bắt xa bờ nhưng đóng tàu đánh bắt xa bờ nên hoạt động không hiệu quả.
Ông Luân cho biết, sắp tới, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hiệu quả của việc triển khai Nghị định 67. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.