Tông sập cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 có lịch sử trăm năm, xử lý thế nào?

18/04/2021 15:12 GMT+7

Liên quan việc cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 bị tông sập, chuyên gia cho rằng phải bồi thường hợp lý. Nếu cổng bệnh viện trị giá từ 100 triệu đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như Thanh Niên thông tin, vào lúc 2 giờ ngày 10.4, một chiếc xe 7 chỗ BS 51F - 1843… đã "tông gục” cổng Bệnh viện Nhi đồng 2, số 14 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM. Phía bệnh viện cho biết, 2 trụ cổng bị xe ô tô 7 chỗ tông sập được xây bằng gạch từ thời Pháp, cả trăm năm tuổi, có dòng chữ GRALL. Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, có tuổi đời gần 150 năm.

Phải có mức bồi thường hợp lý

Theo Luật sư (LS) Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM), khoản 1, Điều 601 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có quy định nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện… Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

Phía Bệnh viện Nhi đồng 2 dọn dẹp để xây cổng mới

ẢNH: DUY TÍNH

Xe ô tô 7 chỗ tông sập cổng bệnh viện trong trường hợp này, theo LS Hùng xe ô tô 7 chỗ là nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, chủ xe phải bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, nếu chủ xe giao cho người khác sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu xe đã thuê người lái xe (có hợp đồng lao động), thì tài xế phải chịu mọi trách nhiệm bồi thường.
Về việc bồi thường thiệt hại đối với cổng bệnh viện có giá trị lịch sử hơn trăm năm tuổi, LS Hùng cho biết, cần có một mức bồi thường hợp lý. Căn cứ theo Điều 585, BLDS năm 2015 “nguyên tắc bồi thường thiệt hại”, thì thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. “Cần phải xác định thiệt hại thực tế, mức độ lỗi của người chịu trách nhiệm bồi thường. Các bên có thể thỏa thuận hình thức, phương thức bồi thường, trường hợp không thỏa thuận được có thể khởi kiện ra tòa án. Theo quan điểm của tôi, đối với trường hợp này cần xác định thiệt hại và mức độ lỗi của tài xế, từ đó đưa ra số tiền bồi thường hợp lý để các bên thỏa thuận”, LS Hùng cho biết.

Giá trị tài sản từ 100 triệu đồng bị xử lý hình sự

Theo LS Hùng, cần phải xác định cổng bệnh viện có trị giá bao nhiêu vì cổng bệnh viện được xây bằng gạch từ thời Pháp, có giá trị cả trăm năm tuổi. Nếu tài sản này có giá trị từ 100 triệu đồng thì tài xế phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, làm chết người… thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất lên đến 5 năm.

Lịch sử Bệnh viện Nhi đồng 2 

Năm 1862, quân đội Pháp thành lập Bệnh viện Quân sự (Hôpital militaire). Cơ sở này vào cuối năm 1870 chuyển về số 14 rue Lagrandière, tức địa điểm hiện nay (14 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Năm 1925, Bệnh viện Quân sự chính thức đổi tên thành "Bệnh viện Grall" để vinh danh Giám đốc y tế Nam Kỳ (bác sĩ Charles Grall)... Năm 1978, Bệnh viện Grall đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2 và trở thành bệnh viện chuyên khoa nhi phụ trách khám và điều trị bệnh cho các bé từ 0 đến dưới 16 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.