TP.HCM: Các BV than vượt quỹ BHYT, nhưng vẫn kết dư 1.000 tỉ đồng

Duy Tính
Duy Tính
10/01/2020 15:58 GMT+7

Năm 2019, TP.HCM thu quỹ BHYT là 12.400 tỉ đồng, được sử dụng 11.200 tỉ đồng (90%), dự kiến chi là trên 10.000 tỉ đồng, như vậy kết dư quỹ BHYT của TP.HCM xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.

Ngày 10.1, BHXH TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác phối hợp với báo chí năm 2020. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, năm 2019 TP hơn 7,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tỉ lệ bao phủ đạt 89,1%. Nhóm hộ gia đình tăng mạnh nhưng còn thấp, học sinh sinh viên tham gia cũng đạt mức cao
Năm 2019, TP.HCM thu quỹ BHYT là 12.400 tỉ đồng, quỹ được sử dụng 90% (11.200 tỉ đồng), dự kiến chi bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT của TP là trên 10.000 tỉ đồng, như vậy kết dư quỹ BHYT của TP.HCM xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. TP là địa phương hiếm hoi còn quỹ BHYT.
Ngoài ra, quỹ BHYT chi cho bệnh nhân ngoại tỉnh tại TP là khoảng 10.000 tỉ đồng, tăng chi 10% so với năm 2018.
Theo ông Mến, giải quyết thanh toán tiền BHYT năm 2019 đầy khó khăn vì giao quỹ BHYT theo phương thức mới - giao tổng mức thanh toán 2019 trên cơ sở thanh toán 2018.
Tuy nhiên, năm 2018 quỹ BHYT thanh toán 18.900 tỉ đồng, nhưng năm 2019 được Chính phủ giao quỹ BHYT là 18.190 tỉ đồng, nhưng tổng mức chi năm 2019 là 19.986 tỉ đồng, bội chi khoảng 1.300 tỉ đồng.
Cũng theo ông Mến, các bệnh viện có ý kiến về vấn đề vượt quỹ, thiếu kinh phí nhưng BHXH cũng đã tạm ứng đến 80% để giải quyết quyền lợi cho bệnh nhân. Các bệnh viện giải trình nguyên nhân khách quan thì Thủ tướng Chính phủ vẫn cấp về cho TP. Trong trường hợp Thủ tướng không xem xét được thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp về để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Nguyên nhân gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT được ông Mến giải thích là do gia tăng thẻ BHYT (năm 2019 TP gia tăng 330.000 thẻ), gia tăng bệnh nhân từ các tỉnh đến TP khám, tăng giá dịch vụ kỹ thuật, tăng kỹ thuật... Năm nay BHXH đề nghị Hội đồng quỹ BHYT, Chính phủ giao quỹ phù hợp với thực tiễn của TP.
Mặc khác, về cuối năm 2019, nhiều bệnh viện hết thuốc đấu thầu, yêu cầu bệnh nhân tự mua thuốc rồi đến BHXH để được thanh toán lại. BHXH đã kết hợp với Sở Y tế TP ra văn bản yêu cầu bệnh viện phải cung ứng đầy đủ thuốc cho bệnh nhân, BHXH không thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân. Theo ông Mến, những bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nào tái diễn việc bắt bệnh nhân BHYT ra ngoài mua thuốc thì sẽ bị BHXH cắt hợp đồng.
Giải pháp năm 2020, ông Mến cho rằng BHXH TP chủ trì phối hợp với Sở Y tế giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, tăng cường quản lý và kiểm soát trong chỉ tiêu khám, chữa bệnh BHYT bằng các giải pháp như: yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh nghiêm túc chuyển dữ liệu hàng ngày; kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở có cảnh báo từ hệ thống; thông báo việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh tại cơ sở và những lỗi, chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật chưa hợp lý, nhằm tăng cường quản lý và giám sát nguồn quỹ được giao.
Mặc khác, BHXH sẽ tăng cường quản lý giá thuốc, danh mục thuốc góp phần quản lý tốt quỹ khám, chữa bệnh BHYT, đây là yếu tố quan trọng chiếm 40% đến 50% tổng chi phí khám, chữa bệnh
Bên cạnh đó, BHXH cũng sẽ thực hiện nghiêm túc quy trình tạm ứng, giám định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trên các phần mềm nghiệp vụ của ngành. Phản ánh đầy đủ kết quả giám định, số liệu tạm ứng, thanh quyết toán trên phần mềm giám định và phần mềm tài chính kế toán, BHXH sẽ không tạm ứng, lập chứng từ thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các hồ sơ không có trên phần mềm giám định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.