TP.HCM: Gần 300 khu đất sử dụng sai mục đích, bỏ trống

09/09/2020 07:00 GMT+7

Hàng trăm nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đang bị bỏ trống ở TP.HCM hoặc sử dụng sai mục đích, không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát ngân sách.

Ngày 8.9, HĐND TP.HCM giám sát công tác quản lý, sử dụng nhà đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tại Sở TN-MT và Sở Xây dựng.

Hàng trăm khu đất cho thuê, bố trí nhà ở sai mục đích

Báo cáo đoàn giám sát, ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm), cho biết từ năm 2015 - 6.2020, đơn vị được giao thu hồi 202 khu đất; trong đó đã tiếp nhận 159 khu và đấu giá thành công 8 khu, thu về ngân sách 1.743 tỉ đồng, số còn lại được giao cho các đơn vị khác quản lý. Đối với 123 khu đất thuộc đối tượng xử lý sắp xếp theo Nghị định 167/2017, Trung tâm khai thác ngắn hạn 41 khu đất, thuê bảo vệ 39 khu đất, số còn lại tạm quản lý. Ông Lực cho hay việc cho thuê ngắn hạn các khu nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, giảm chi phí thuê bảo vệ khoảng 3 tỉ đồng/năm. Tổng nguồn thu từ cho thuê ngắn hạn đến nay ước khoảng 110 tỉ đồng nộp cho ngân sách.
Liên quan đến nhà đất do tổng công ty, công ty vốn nhà nước (chiếm 50 - 100%), Trung tâm đã khảo sát, ghi nhận hiện trạng 1.104 khu đất do 28 đơn vị quản lý. Đáng chú ý, trong số này có đến 188 khu đất sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở, ngoài ra có 110 khu đất bỏ trống.
Về việc đấu thầu, đấu giá các khu đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), Trung tâm đang kiểm tra nội dung chứng thư chuyển Sở Tài chính xem xét, thẩm định báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất thông qua trước khi trình UBND TP.HCM phê duyệt giá khởi điểm 5 lô đất thuộc khu 38,4 ha (P.Bình Khánh). Đối với 4 lô đất ký hiệu 3 - 5, 3 - 8, 3 - 9 và 3 - 12 thuộc khu chức năng số 3, Sở TN-MT đã hoàn thiện chứng thư theo đề nghị hoàn chỉnh hồ sơ, đề xuất phương án giá đất riêng cho từng lô đất của Hội đồng thẩm định giá đất. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang đầu tư hạ tầng 9 lô đất trong Khu chức năng số 1. Đối với 39 lô còn lại, UBND TP.HCM đã giao sở ngành rà soát, phân loại trước khi tổ chức đấu thầu thực hiện dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất giai đoạn 2021- 2023.

Tăng cường giám sát

Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng trong khi nhiều doanh nghiệp, người dân cần thuê mặt bằng để sản xuất kinh doanh nhưng 110 mặt bằng bỏ trống thì rất lãng phí. Do vậy, Trung tâm phát triển quỹ đất cần thay đổi cách truyền thông, quảng bá để người dân biết được các khu đất trống trên, tham khảo, ký hợp đồng ngắn hạn hoặc dài hạn chứ không nên chờ đợi theo kiểu “ai đặt vấn đề thuê thì ký hợp đồng, không đặt vấn đề thì tiếp tục quản lý”.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, nhìn nhận việc các doanh nghiệp thuê đất của nhà nước nhưng không sử dụng đúng mục đích, thậm chí đem cho thuê lại hưởng chênh lệch nhưng khoản chênh lệch này không được đóng thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ sẽ gây thất thu ngân sách. Bà Thắng cũng chỉ ra bất cập là các khu đất cho thuê ngắn hạn thì người thu không làm được gì, nhưng nếu thuê dài hạn thì không thể tổ chức bán đấu giá theo quy định. Nhiều khu đất chưa được quản lý bài bản, không có kế hoạch cụ thể nên hơn 10 năm vẫn chưa tổ chức bán đấu giá.
Do đó, bà Thắng đề nghị Trung tâm xây dựng phương án xử lý cho từng nhóm khu đất và nhu cầu vốn để thực hiện đấu giá. Đối với những mặt bằng dễ thực hiện thì lên kế hoạch đấu giá trước, những mặt bằng khó đấu giá ngay thì cho thuê 5 - 10 năm kèm theo cam kết bàn giao mặt bằng khi tổ chức đấu giá.
Ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, nêu do thiếu kinh phí nên nhiều khu nhà chỉ đóng cửa để đó chứ không được nâng cấp, duy tu trong thời gian chờ bán đấu giá.
Ông Trực cho hay sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi giao, cho thuê đất đảm bảo người được giao, cho thuê đất sử dụng đúng mục đích để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí. Khi phát hiện trường hợp sử dụng đất sai mục đích thì lập biên bản xử phạt theo quy định, nếu đủ điều kiện thì thu hồi lại để bán đấu giá. “Về lâu dài, cần có thêm hình thức đấu giá tiền thuê đất để đảm bảo thu đúng, thu đủ, không để thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai”, ông Trực đề xuất.
Về việc hoán đổi đất công trong các dự án thương mại, TP.HCM sẽ không cho phép doanh nghiệp nộp bằng tiền nữa mà phải bằng quỹ đất để phân bổ cho quận, huyện phục vụ tái định cư tại chỗ, nếu có điều chỉnh thì bán đấu giá theo quy định.

Hơn 9.400 căn hộ và 2.254 nền đất phục vụ tái định cư

Chiều 8.9, HĐND TP.HCM làm việc với Sở Xây dựng về việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết tính đến cuối năm 2019, toàn TP.HCM có 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất phục vụ tái định cư chưa sử dụng tại 163 dự án. Trong đó, UBND TP.HCM đã chủ trương đấu giá 5.022 căn hộ và 43 nền đất. Sau khi trừ đi các căn hộ và nền đất giao về cho quận, huyện quản lý, TP.HCM còn hơn 1.800 căn hộ và khoảng hơn 1.100 nền dành cho tái định cư của các dự án trong tương lai.
Nhật Linh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.