Xử phạt nhiều người ra đường không lý do chính đáng
Trưa 9.7, ghi nhận của PV tại chốt kiểm soát dịch Nguyễn Thái Sơn, đoạn nối với cầu An Phú Đông 2 (Q.Gò Vấp), tổ công tác điều tiết người di chuyển qua chốt giữa trưa nắng. Tất cả các trường hợp đều phải khai báo, trình bày lý do rời khỏi nhà. Đối với các shipper (người giao hàng), người chở hàng hóa cần có giấy tờ từ công ty chủ quản hoặc giấy tờ chứng minh công việc.
Tuy nhiên, thời điểm PV ghi nhận, hầu hết người dân ra đường đều có... ngàn lẻ một lý do. Người dân khi bị chặn đưa ra những lý do như: đi làm mới về, giao hàng, ra mua chút đồ ăn, mua đồ cho chó ăn, đi giao rượu... Tại đây, lực lượng chức năng kiểm tra tất cả các phương tiện, trường hợp không có lý do chính đáng thì buộc phải quay đầu.
“Chỉ trong buổi sáng 9.7, lực lượng phối hợp phát hiện một số trường hợp nhân viên làm việc ở các công ty không được phép hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhưng công ty này vẫn làm giấy xác nhận cho nhân viên đi ra đường nên buộc quay đầu xe”, một cán bộ công an Q.Gò Vấp cho hay.
Chiều cùng ngày, UBND P.7 (Q.Phú Nhuận) phối hợp cùng đoàn liên ngành tiến hành tuần tra, nhắc nhở và xử phạt hàng loạt trường hợp vi phạm “ra ngoài trong trường hợp không cần thiết”. Theo đó, tổ liên ngành lập chốt tại khu vực đường Phan Xích Long - Nguyễn Công Hoan xử phạt nhiều trường hợp ra đường không có lý do hoặc ra đường để... dẫn chó đi dạo. Ông Văn Thành, Phó chủ tịch UBND P.7 (Q.Phú Nhuận), cho biết: “Trường hợp người dân không có lý do chính đáng khi ra ngoài sẽ bị xử phạt hoặc nhắc nhở cảnh cáo không tái phạm. Chúng tôi cũng xử phạt 6 trường hợp lỗi ra ngoài không cần thiết ở mức thấp nhất là 1 triệu đồng/người”.
Ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin bên cạnh 12 chốt kiểm soát dịch ở các khu vực cửa ngõ, thì các quận, huyện cũng lập 157 chốt kiểm soát việc đi lại của người dân bên trong thành phố. Trong quá trình triển khai, có một đơn vị nêu ý kiến về việc cấp giấy thông hành để người dân ra ngoài đường, nhưng ông Châu cho rằng việc này không cần thiết, vì nhiều người có thể lợi dụng giấy tờ này để đi suốt ngày thì càng khó khăn cho việc kiểm soát.
Để thống nhất trong phương án kiểm soát và xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng, UBND TP.HCM sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện. Trước mắt, ông Châu đề nghị lực lượng kiểm soát tại các chốt phải nắm vững quy định pháp luật, căn cứ nội dung trong Chỉ thị 16 và văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM, nguyên tắc 5K để xử lý các trường hợp vi phạm.
|
Họp chợ tự phát bất chấp chỉ thị
Sáng 9.7, trên QL22 và đường Nguyễn Thị Sóc quanh khu vực chợ đầu mối Hóc Môn, khu vực giáp ranh giữa xã Xuân Thới Đông và xã Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM), khá đông người dân buôn bán tự phát bất chấp đang giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16. Một khách hàng tại đây cho biết sáng nay nhiều khu vực đóng cửa, không buôn bán. Biết được khu vực này vẫn còn hàng hóa, họp chợ nên chạy xuống để gom hàng, mang về. “Từ sáng đến giờ đường đông như không có giãn cách. Chính quyền đến xử lý thì họ chạy hết, rồi tập trung bán tiếp”, một người dân khác nói.
Đồng Nai vẫn còn tình trạng tập trung đông ngườiTrong ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại Đồng Nai, các hoạt động thiết yếu vẫn hoạt động, các quán ăn, cà phê được phép hoạt động nhưng không phục vụ tại chỗ, giá cả vẫn như trước đây. Ghi nhận tại TP.Biên Hòa, nhiều người dân vẫn đổ ra đường, tập trung ở các chợ để mua thực phẩm.
Chiều 9.7, trả lời PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, ông Nguyễn Duy Tân, cho biết do bận với công tác dập dịch, truy vết các ca F1 (Biên Hòa xuất hiện thêm nhiều ca F0 phức tạp) nên chưa có thời gian xử lý, nhưng ông cũng đã chỉ đạo các phường, xã và lực lượng liên quan nhắc nhở. Từ ngày 10.7 trực tiếp đi kiểm tra và xử phạt những trường hợp vi phạm Chỉ thị 16. Đối với lương thực, thực phẩm, bà Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, khẳng định hàng hóa nhu yếu phẩm không thiếu.
Liên quan việc TP.HCM cấp “thẻ nhận diện” cho một số loại xe chở hàng hóa, công nhân, chuyên gia, tổ chức, cá nhân, ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, nói rằng những xe được cấp thẻ này khi qua các chốt kiểm soát ở Đồng Nai sẽ được ưu tiên xử lý sớm, nhưng vẫn phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 theo quy định.
|
Đường Nguyễn Thị Sóc thuộc hai xã Xuân Thới Đông và Bà Điểm nên dù tổ công tác của xã Bà Điểm mạnh tay xử lý, nhưng đoạn thuộc xã Xuân Thới Đông vẫn có người dân buôn bán. Ông Huỳnh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Đông, cho hay sẽ cương quyết xử lý hàng rong, chợ tự phát. Tuy nhiên, việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn bởi mỗi khi thấy lực lượng chức năng thì người dân rời đi, bỏ lại hàng hóa vô chủ.
Về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, thông tin các phường đã lập 51 chốt chính và 13 chốt phụ, triển khai lực lượng tuần tra, xử lý hành vi vi phạm, nhắc nhở người dân. Từ tối 8.7 đến chiều 9.7 đã xử phạt 11 trường hợp vi phạm, trong đó 10 người không đeo khẩu trang và 1 trường hợp tụ tập nơi công cộng với tổng số tiền xử phạt 52 triệu đồng.
|
Kẹt xe, tắc nghẽn đường vận chuyển hàng hóa
Tối 9.7, tại buổi họp báo của UBND TP.HCM về ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), xác nhận có tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số chốt kiểm soát dịch ra vào TP.HCM với lúc cao điểm buổi sáng và buổi chiều như: cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tỉnh lộ 8...
Trong hai ngày 8 - 9.7, Sở GTVT đã cấp giấy nhận diện cho 4.088 phương tiện chở hàng hóa và vận chuyển chuyên gia, công nhân; các phương tiện này sẽ được ưu tiên đi vào “luồng xanh” nhanh chóng, thuận tiện hơn để đảm bảo hàng hóa lưu thông, sản xuất không bị đình trệ.
|
Ngoài ra, tại buổi họp báo này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương, lý giải tình trạng giá cả một số mặt hàng như rau củ tăng cao trên địa bàn do giá xăng dầu tăng, thay đổi phương thức vận chuyển đến chợ nhỏ lẻ; chi phí kiểm dịch… Đáng lo ngại, khi các địa phương áp dụng các quy định người từ TP.HCM về địa phương dẫn tới việc xe chở hàng hóa lưu thông về địa phương gặp rất nhiều khó khăn...
“Có những hệ thống phân phối đầu não bị cách ly, thiếu người trầm trọng”, ông Phương nói. Như trong ngày 9.7, Sở Công thương nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các địa phương, cụ thể là TP.Cần Thơ. Địa phương này phản ánh hàng hóa hiện đang ứ đọng và họ rất bức xúc khi hàng hóa không đưa được về TP.HCM; đồng thời mong muốn Sở Công thương TP.HCM có văn bản gửi chung cho các sở công thương của các tỉnh để có ý kiến chung.
“Đêm qua có dòng xe kẹt mấy cây số trên quốc lộ, và đây là điều mà chúng tôi chưa bao giờ hình dung được”, ông Phương nói và cho biết nhiều địa phương đã hỗ trợ hết mình cho TP.HCM, nhưng có một số địa phương lại gây khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, đại diện Sở GTVT cho hay đã và đang làm việc với các tỉnh, thành ở ĐBSCL, Đông Nam bộ nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa, cấp giấy nhận diện ưu tiên qua chốt. Ông Đường cho hay trong ngày 9.7 nhận được nhiều cuộc điện thoại thắc mắc về giấy nhận diện này. Sở GTVT khẳng định, giấy nhận diện này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải khối lượng lớn và các xe chở chuyên gia, người lao động qua chốt nhanh hơn. “Không có giấy nhận diện này vẫn được ra vào thành phố”, ông Đường khẳng định.
Bình luận (0)