TP.HCM: Vì sao bệnh viện chuyển bệnh nhân lòng vòng ?

12/12/2020 06:29 GMT+7

Một trong những thực trạng dai dẳng ở TP.HCM là bệnh nhân bị chuyển lòng vòng do bệnh viện hết tiền quỹ bảo hiểm y tế giao dự toán chi.

Ngày 11.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với UBND TP.HCM về công tác y tế trên địa bàn TP. Một trong những thực trạng dai dẳng được nêu ra là bệnh nhân bị chuyển lòng vòng do bệnh viện hết tiền quỹ bảo hiểm y tế giao dự toán chi.

Tuyến trên “ôm bệnh”, vượt quỹ 1.300 tỉ đồng

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết hiện do quỹ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) của nhiều đơn vị đã vượt mức dự toán nên xảy ra tình trạng tuyến phường, xã chuyển bệnh nhân (BN) đến tuyến quận huyện, quận huyện chuyển lên tỉnh, tỉnh chuyển qua tuyến T.Ư và tuyến T.Ư phải “ôm”. Thay vì BN khám 1 lượt thì tốn thêm khám nhiều lượt và lượng BN lên TP.HCM tăng. Hiện mỗi ngày BV Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 450 ca BN chuyển viện đến từ các tỉnh. Điều này dẫn đến những bất cập do vượt dự toán và các BV không thể thu lại nguồn chính đáng của mình.

Tạo cơ chế cho y tế TP.HCM phát triển bứt phá

Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao kết quả điều tra, truy vết, xét nghiệm và kiểm soát dịch bệnh của TP trong thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Y tế tái khẳng định, TP.HCM không phải là ổ dịch nên việc một số địa phương cách ly, lấy mẫu xét nghiệm người từ TP.HCM đi đến các tỉnh, thành là không cần thiết.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ủng hộ định hướng phát triển TP.HCM thành trung tâm y tế hàng đầu khu vực. Bộ Y tế sẽ mạnh dạn cởi bỏ các ràng buộc, sẽ rà soát các quy định để tạo cơ chế cho TP chủ động hơn về chuyên môn, cơ chế quản lý điều hành.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, việc giao dự toán chi KCB BHYT sẽ giúp các BV chủ động hơn với dự toán được giao, không còn bị động do phải chuyển quỹ ở các tỉnh lên trước đây. Nhưng điều này lại phát sinh tăng chi phí tuyến tỉnh, tuyến dưới đến đối với các BV tuyến cuối của TP, do các BV tuyến dưới chuyển người bệnh có bệnh nặng và phức tạp lên các BV tuyến trên, tuy biết sẽ vượt dự toán chi KCB BHYT nhưng các BV tuyến trên không thể từ chối.
Sở Y tế TP đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại việc giao dự toán chi BHYT cho các tỉnh thành có tỷ lệ người bệnh (nhất là bệnh nặng, chi phí cao) đến từ các tỉnh khác. Vì năm 2021 sẽ thực hiện chính sách liên thông tuyến tỉnh sẽ tạo áp lực cho các tỉnh có tỷ lệ thẻ BHYT từ tỉnh khác tới KCB cao như TP. Sở Y tế cũng kiến nghị sớm xem xét, thanh quyết toán đối với kinh phí KCB cho các cơ sở KCB có phát sinh vượt quỹ, vượt trần và vượt dự toán kinh phí KCB BHYT trước năm 2017 (chưa được quyết toán hơn 8 tỉ đồng) và năm 2018 là 192 triệu đồng. Kiến nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN xem xét bổ sung 1.300 tỉ đồng là khoản vượt quỹ dự toán chi 2020 cho TP.

Nợ đọng bảo hiểm y tế hơn 5.000 tỉ đồng

Tại cuộc làm việc, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho hay hiện đang gặp phải hiện tượng BN chuyển từ các tuyến dưới lên tuyến trên do các nguyên nhân khác nhau ngoài chuyên môn. “Khi thực hiện giao dự toán như vậy đã có nhiều bất cập xảy ra và hệ lụy đã nhìn thấy: Gây khó khăn cho cơ sở KCB vì hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng chưa được quỹ BHYT thanh toán; có tình trạng BN bị chuyển tuyến không phải vì nguyên nhân chuyên môn, như BV Chợ Rẫy và các BV Nhi đồng nhận nhiều BN vì các tỉnh hết quỹ. Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Tài chính, BHXH VN báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có điều chỉnh phù hợp”, ông Khảm nêu.
Cũng theo ông Khảm, số tiền vượt dự toán chi năm 2017, 2018 của cả nước là 5.500 tỉ đồng, đợt 1 đã giải quyết 3.000 tỉ đồng, số còn lại đang giải quyết. Riêng năm 2020 số dự toán chi ban đầu của TP hiện đã vượt lên 1.300 tỉ đồng (quỹ BHYT giao dự toán chi năm 2020 cho TP.HCM là 19.004 tỉ đồng). Đây là số tiền rất lớn cần bổ sung.
“Riêng năm 2017, TP.HCM chỉ còn 8 tỉ đồng chưa thanh toán do 3 nguyên nhân: một số BV sử dụng thuốc không có trong hồ sơ đăng ký thuốc (hơn 3 tỉ đồng); một số đang trong quá trình giải quyết cần có thời gian; một số mang tính kỹ thuật và đang trong thời gian giải quyết”, ông Khảm thông tin.
Đặt vấn đề vì sao giao dự toán chi khiến các cơ sở KCB phải “lao đao”, theo ông Khảm, từ năm 2017 quỹ BHYT đã mất cân đối thu chi hằng năm, chính vì vậy phải dùng từ quỹ dự phòng. Từ đó Chính phủ ra quyết định giao dự toán chi cho BHXH VN và BHXH các tỉnh. Nhưng khi triển khai thì giao dự toán chi cho các cơ sở KCB, điều này có một số bất cập. Về mặt nguyên lý, cơ sở KCB không phải là đơn vị hạch toán của BHXH; cơ sở KCB là đơn vị cung cấp dịch vụ và BHXH phải trả tiền cho dịch vụ cung cấp đúng, đủ. Về luật pháp, luật BHYT chưa có quy định nào giao dự toán chi cho cơ sở KCB mà quy định trong trường hợp số thu BHYT trong năm thấp hơn chi thì BHXH phải thẩm định và chi trả toàn bộ phần chênh lệch từ quỹ dự phòng.
Sau khi nghe trình bày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ phải tập trung giải quyết số “nợ đọng” lớn này của BHYT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.