Tranh luận chuyện 'lười sinh con'

28/12/2019 07:10 GMT+7

Nhiều bạn đọc tranh luận sôi nổi về vấn đề Phụ nữ 22 tỉnh, thành “lười sinh con” (đăng trên Thanh Niên ngày 27.12.2019).

Như Thanh Niên đã thông tin, theo kết quả tổng điều tra dân số nhà ở 2019, có 22 tỉnh/thành có tổng tỷ suất sinh (TFR - số con trung bình/phụ nữ tuổi sinh đẻ) thấp dưới mức sinh thay thế (2,1), trong đó các tỉnh, thành thấp nhất là: TP.HCM: 1,39; Tây Ninh: 1,53; Bình Dương: 1,54; Bạc Liêu: 1,61; Cần Thơ: 1,66…
Trong bối cảnh mức sinh không đồng đều giữa các vùng trên cả nước, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang khẩn trương hoàn thiện đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, sẽ tập trung vào việc khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp; tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và duy trì mức sinh ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế; đối tượng, quá trình thực hiện điều chỉnh như thế nào sẽ được đề cập cụ thể.

Vì sao phụ nữ “lười sinh con” ?

Bạn đọc (BĐ) Ho Ca (TP.HCM) cho rằng nói phụ nữ “lười sinh con” là không đúng. Không có chồng “góp sức”, phụ nữ có muốn sinh cũng không được nên phải nói là cả vợ chồng “lười sinh con” mới đúng. Cũng theo BĐ này, nguyên nhân là do đời sống khó khăn, chưa kiếm được nhà, phải ở chung hoặc ở thuê, nên ít ai dám sinh thêm con. Cùng ý kiến, BĐ Minh (TP.HCM) nhấn mạnh: Đa số giới trẻ làm việc ở đô thị chỉ sinh 1 hoặc 2 con vì sinh nhiều thì nhà cửa đâu cho con ở? Giá nhà đất đô thị tăng chóng mặt, chỉ số ít có được một căn nhà, còn lại phải thuê mướn. Chẳng lẽ để con khổ nữa hay sao?

Vì sao càng ngày phụ nữ ở thành phố càng không muốn sinh con? Đó là vì tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ: sinh con, chăm con, lo việc nhà, kiếm tiền, làm ô sin cho chồng và thậm chí cả nhà chồng... đều là chuyện phụ nữ, hỏi sao còn ai dám sinh con?    

Huỳnh My (TP.HCM

Trong khi đó, BĐ Vo Tinh (TP.HCM) nêu thêm một lý do: Giờ mà vẫn còn thấy khẩu hiệu “Chỉ sinh 1 hoặc 2 con để nuôi dạy cho tốt”, ở cơ quan thì ai sinh con thứ 3 bị hạ thi đua... thì trách sao người ta không sinh con thêm?

Làm sao để “siêng sinh con” ?

BĐ Le Hiep (Bình Dương) chia sẻ: “Cùng tuổi tôi (53 tuổi), anh em họ tôi ở quê đã con đàn cháu đống. Tôi ở thành phố, có 2 con, chưa có cháu nào. Bạn bè tôi ở thành phố, nhiều người chỉ 1 con, cũng chưa có cháu. Nói “lười sinh con” nghe rất dễ, nhưng làm sao dám siêng sinh con khi đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là giới trẻ. Nhà nước giúp gì để người ta siêng sinh con?”.
Cùng quan điểm, BĐ Tien Bo (TP.HCM) cho rằng câu hỏi “Nhà nước giúp gì để người ta siêng sinh con?” là rất hay. Theo BĐ này, nên có chính sách thật cụ thể và thiết thực thì người ta mới an tâm sinh con, nhất là vấn đề nhà ở.
Nhìn ở một góc độ khác, BĐ Vũ Bình (Phú Yên) viết: Không cần phải lo lắng cho sự sụt giảm số lượng tại một vùng cụ thể nào đó mà cần quan tâm đến đối tượng sinh nở với các tiêu chí: trình độ dân trí, thu nhập của người sinh nở, điều kiện sinh hoạt, ăn ở học hành tại vùng đó… Việc điều hòa mật độ dân số của các vùng sẽ do quy luật tự nhiên là “di cư” thực hiện.

Thú thật, lúc đầu vợ chồng cũng muốn sinh 3 đứa, nhưng đời sống lúc đó khó khăn quá, nên không dám. Giờ khá hơn, muốn sinh thêm thì lại quá tuổi rồi.   

Tran Tinh (Đồng Nai)

Cũng có những người giàu có nhưng họ không thích sinh nhiều con, chứ không chỉ người nghèo mới “lười sinh con”. Sinh một đứa con và nuôi dạy nên người là cả một quá trình dài, cần rất nhiều tình thương, trách nhiệm, hy sinh và cả vật chất. Dĩ nhiên khi con nên người thì thật là hạnh phúc cho cha mẹ và cả xã hội. Cho nên không đơn giản chỉ vài câu hô hào, một chút hỗ trợ... mà làm người ta “siêng sinh con” được đâu.

Nguyen Van Tam (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.