Tranh luận về hoạt động của Grab

Phan Thương
Phan Thương
08/02/2018 07:14 GMT+7

* Tạm ngừng phiên tòa Vinasun kiện Grab để bổ sung chứng cứ

Sau hơn 1 ngày xét xử, chiều 7.2, TAND TP.HCM đã tạm ngừng phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương VN - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi VN (Grab).
Theo HĐXX, vụ án cần thu thập, bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ để xem xét toàn diện khách quan. Về thời gian mở lại phiên tòa, HĐXX cho biết sẽ thông báo sau.
Trước khi phiên tòa tạm dừng, luật sư (LS) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên cũng đã tranh luận xung quanh nội dung khởi kiện.
Grab đang ngụy biện, “né” thuế ?
Theo LS của Vinasun, Grab đang kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách, chứ không phải cung ứng dịch vụ phần mềm vận tải như Grab khẳng định tại phiên tòa vào ngày 6.2.
Cung cấp chứng cứ liên quan, LS của Vinasun dẫn chứng là văn bản của Sở KH-ĐT TP.HCM trả lời, ngành nghề trong đăng ký doanh nghiệp của Grab là vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành, vận tải hành khách đường bộ khác; công văn của Bộ Công thương gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định “cần sửa luật để khẳng định rõ các doanh nghiệp như Uber, Grab chính là doanh nghiệp kinh doanh vận tải và phải quản lý như taxi”.
Đồng thời LS của Vinasun cũng nêu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT năm 2018 trong cuộc họp với Tổng cục Đường bộ là phải quản lý Uber, Grab như taxi; phán quyết ngày 20.12.2017 của Tòa Công lý châu Âu nhấn mạnh dịch vụ Uber vốn dĩ liên quan đến dịch vụ vận tải. Tại tòa này, Grab cũng khẳng định mình kinh doanh tại VN với hình thức tương tự như Uber.
Theo LS của Vinasun, Grab là doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải như Vinasun. Bởi, Grab tự quyết định giá cước vận chuyển; quyết định các chương trình khuyến mãi về giá cước vận chuyển; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grab; có chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế với khách hàng đi taxi; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi Grab. Vì thế, LS của Vinasun cho rằng thông qua việc sử dụng phần mềm kết nối vận tải, Grab chính là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển. Còn các hợp tác xã, doanh nghiệp mà Grab ký hợp đồng hợp tác chỉ là các bên danh nghĩa.
Ngoài ra, LS của Vinasun cũng đưa ra các chứng cứ khẳng định Grab có hành vi vi phạm như: khuyến mãi tràn lan, trái luật; vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT...
Từ những hành vi trái luật của Grab, phía Vinasun cho rằng có mối quan hệ nhân quả đến Vinasun, gây thiệt hại cho nguyên đơn hơn 41,2 tỉ đồng về doanh thu nên Vinasun đề nghị Grab phải bồi thường một lần cho mình.
Grab: Vinasun hãy khiếu nại lên Bộ GTVT
LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Grab cho rằng đây là vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Và để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Vinasun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Grab có hành vi vi phạm pháp luật; Vinasun có thiệt hại thực tế và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại.
Đối với cáo buộc của Vinasun cho rằng Grab có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật, Grab thực hiện không đúng Đề án 24 của Bộ GTVT, LS của Grab cho rằng nếu bị đơn có vi phạm thì bên xem xét, xử lý vi phạm là Bộ GTVT. Vì vậy, tất cả những vấn đề này, Vinasun phải khiếu nại lên Bộ GTVT hoặc khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đối với cáo buộc rằng Grab vi phạm pháp luật về khuyến mãi, LS của Grab cho rằng việc xem xét hành vi khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh. Việc xem xét hành vi khuyến mãi có đúng luật hay không thuộc thẩm quyền xem xét của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công thương. Ngoài ra, Vinasun chưa cung cấp được bất kỳ quyết định xử phạt nào của các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi này đối với Grab.
Đối với xác định thiệt hại thực tế hơn 41,2 tỉ đồng mà Vinasun yêu cầu bồi thường, Grab lập luận, cách xác định thiệt hại mà Vinasun dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận nên không thể được coi là căn cứ để xác định thiệt hại...
Tòa “truy” Grab
Sau khi các bên tranh luận, chủ tọa phiên tòa quay lại phần xét hỏi các bên.
Theo đó, chủ tọa hỏi đại diện Vinasun về 2 công ty nghiên cứu thị trường xác định thiệt hại của Vinasun và một số vấn đề liên quan đến 2 công ty.
Đối với Grab, chủ tọa hỏi về ngành nghề kinh doanh mà hãng này đăng ký với Sở Công thương TP.HCM. Đại diện Grab trả lời theo giấy phép kinh doanh ghi là "vận tải hành khách" nhưng đến nay Grab chỉ hoạt động cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải.
Vậy Grab có thể cung cấp danh sách hợp tác xã (đối tác) của Grab Taxi được hay không? Trả lời câu hỏi này, ban đầu đại diện Grab nói không thể cung cấp do không nắm danh sách này, nhưng sau khi bị HĐXX nhắc nhở, vị đại diện hứa rằng sẽ cung cấp sau cho HĐXX.
Ngoài ra, chủ tọa cũng đặt hàng loạt câu hỏi về bên quyết định giá cước, quyết định việc khuyến mãi, điều chỉnh giá... Đại diện Grab trả lời: Giá cước vận tải do các HTX, đơn vị vận tải (đối tác của Grab) đưa ra, Grab không quyết định giá; khách đi xe thanh toán tiền cước bằng tiền mặt cho tài xế, rồi tài xế đưa về cho HTX hoặc khách thanh toán qua tài khoản. Về việc giá cước tăng, giảm liên tục trong ngày đại diện Grab nói đó là do lập trình từ phần mềm.
Chủ tọa tiếp tục hỏi: "Phần mềm lập trình dựa trên căn cứ nào để đưa ra giá đó? Mỗi lần giá thay đổi rất nhanh như vậy thì giá đó được kết nối với HTX như thế nào, giá cước điều chỉnh đó HTX có phải thống nhất với Grab không? Nếu giá cước do HTX quyết định thì doanh thu Grab có nắm được để tính doanh thu của mình không?...".
Với hàng loạt câu hỏi của chủ tọa nhưng không được đại diện bị đơn trả lời nên sau khi hội ý, HĐXX thông báo tạm dừng phiên tòa để các bên bổ sung chứng cứ, tài liệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.